Khai khoáng thoái trào

Trong khi cả nước hân hoan về thành tựu kinh tế của năm 2017 – mà nhiều phương tiện thông tin đại chúng gọi là “kỳ tích” – ngành khai khoáng lại thêm một năm buồn.

Hiện trường khai thác than tại một mỏ than ở Quảng Ninh

Dẫu từng được coi là điểm tựa quan trọng “cứu” tăng trưởng, ngành khai khoáng năm qua đã giảm tới 7,1% so với năm 2016, làm giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng chung. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 38 triệu tấn, giảm hơn 180 ngàn tấn.

Tuy nhiên, đây không phải là một biến động hoàn toàn bất ngờ. Nhìn lại chuỗi số liệu thống kê thì thấy một vài năm trở lại đây, khai khoáng đã liên tục trồi sụt: năm 2011 tăng 2,9% so với năm trước đó; năm 2012 tăng 5,14%; năm 2013 giảm 0,23%; năm 2014 tăng 2,26%; năm 2015 tăng 6,5%; năm 2016 giảm 4%; năm 2017 giảm 7,1%.

Vậy điều này đáng mừng hay đáng lo? Sẽ là điều đáng mừng, nếu đó là động thái giảm một cách chủ động, kết quả của quá trình tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, giảm khai thác tài nguyên. Nhưng sẽ là đáng lo ngại, nếu đây là hệ quả của những biến động thị trường, những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp. TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhấn mạnh: “Chưa thể so sánh với một số nước có điều kiện được. Việt Nam vẫn cần khai thác một số tài nguyên, nhưng phải theo cách mới để đảm bảo hiệu quả cao nhất, tiết kiệm tài nguyên nhất và ít làm tổn thương môi trường nhất”.

Những tiêu chí mà TS Võ Trí Thành nêu ra cũng chính là mục tiêu quan trọng của Luật Khoáng sản năm 2010. Sau 6 năm thực hiện, không thể phủ nhận luật đã góp phần tạo dựng hành lang pháp lý cho toàn bộ hoạt động khoáng sản, từ khâu đánh giá trữ lượng cho tới cấp phép, khai thác, kinh doanh thương mại tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khoảng trống, những điểm chồng chéo nhất định và khoảng cách đáng kể giữa những quy định đã có với thực tế triển khai. Vẫn chưa có những quy định cụ thể việc liên danh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản. Tình trạng bán lại dự án, thay đổi chủ đầu tư, vì thế, rất khó kiểm soát. Một vấn đề rất nóng trong năm qua liên quan đến việc chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố, nhất là đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông; chế tài xử lý chưa rõ ràng, nghiêm khắc. Cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế; trữ lượng khoáng sản biến động trong quá trình khai thác.

Đặc biệt, dù đã được quy định trong Luật Khoáng sản 2010 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trách nhiệm phục hồi môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cũng chưa được làm rõ trong các văn bản dưới luật. Tương tự với cơ chế thực hiện đề án đóng cửa mỏ.

Môi trường pháp lý là thế, quá trình thực hiện cũng còn nhiều vấn đề rất đáng bàn. Theo “Báo cáo về mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố năm 2017, chi phí không chính thức của doanh nghiệp khai khoáng cao hơn 2% so với những doanh nghiệp khác ngành; điều này có nghĩa là các doanh nghiệp khoáng sản phải nộp nhiều loại thuế phí phức tạp, cùng với các khoản chi phí không chính thức cao hơn lĩnh vực khác.

Các quy định về đấu giá khai thác khoáng sản tuy đã có và được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế xin cho, nhưng cho tới nay, số trường hợp thực hiện thành công vẫn còn khiêm tốn… Rõ ràng, trong năm 2018 và những năm trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp còn nhiều việc phải làm để nâng cao tính hiệu quả của ngành công nghiệp khai khoáng.

Nguồn: