Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, năm 2018, sẽ triển khai 4 cuộc thanh tra chuyên đề, chuyên đề diện rộng, trong đó có công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế…
Phát hiện 87 vụ có hành vi tham nhũng
Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, năm 2017, các chỉ tiêu phát hiện vi phạm về kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Toàn ngành đã triển khai trên 7.500 cuộc thanh tra hành chính và trên 237.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 67.700 tỷ đồng, gần 17.600 ha đất, kiến nghị thu hồi trên 43.300 tỷ đồng, trên 4.900 ha đất.
Cùng với đó, ban hành 148.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.924 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính gần 2.100 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp trên 415.300 lượt công dân với 310.600 vụ việc; có trên 5.600 đoàn đông người; xử lý trên 178.500 đơn đủ điều kiện; giải quyết trên 25.500 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền (đạt 84.2%).
Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 173 tỷ đồng, 36 ha đất; trả lại quyền lợi cho trên 2.400 người, kiến nghị xử lý hành chính 333 người.
Thanh tra Chính phủ cũng phối hợp với các cơ quan tăng cường kiểm tra công tác tiếp công dân tại các địa phương có nhiều vụ việc KN,TC phức tạp, kéo dài…
“Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết KN,TC; việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên; việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết KN,TC có hiệu lực pháp luật được quan tâm hơn và có những chuyển biến tích cực”, Tư lệnh ngành Thanh tra đánh giá.
Đáng chú ý, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết KN,TC và tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 87 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Xử lý 20 người đứng đầu
Tổng Thanh tra cũng cho hay, ngành Thanh tra đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại trên 5.600 cơ quan, tổ chức, phát hiện 88 đơn vị vi phạm; tiến hành trên 2.500 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 111 vụ việc vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 34,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã xử lý 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản, thu nhập; 188 cán bộ, công chức vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế. Đó là, một số cuộc thanh tra triển khai chậm hoặc còn để kéo dài, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm; chất lượng kết luận thanh tra chưa cao, biện pháp xử lý chưa rõ.
“Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã có tiến bộ nhưng tỉ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản chưa đạt yêu cầu đề ra; việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa kịp thời, thường xuyên”, Tổng Thanh tra nói.
Thủ trưởng cơ quan hành chính tại một số nơi cũng chưa làm tròn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KN,TC. Còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chất lượng hạn chế, sai sót trình tự, thủ tục…
Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp…
Tổng Thanh tra cho hay, phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết KN,TC còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm. Việc tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít.
Triển khai 4 cuộc thanh tra chuyên đề, chuyên đề diện rộng
Bước vào năm 2018, theo Tổng Thanh tra, tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc.
Cụ thể, triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra chuyên đề, chuyên đề diện rộng: (1) công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; (2) công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; (3) về thuế để chống thất thu thuế, tập trung thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp; (4) công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc KN,TC mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
“Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, chú trọng xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của ngành Thanh tra”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Thanh tra cũng khẳng định, đẩy mạnh công tác thể chế, xây dựng ngành, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương.
Lãnh đạo các địa phương không phải lên biếu xén quà Tết cho lãnh đạo
Sau khi nghe Tổng Thanh tra báo cáo, Thủ tướng cho rằng, cần giải quyết tốt việc giải quyết KN cho dân, không để tình trạng dân phải kéo về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khiếu kiện. Các địa phương phải làm tốt việc này. “Dân khiếu kiện vì cán bộ không chịu đối thoại với dân, dân bị bỏ mặc, anh không đặt vị trí người KN vào bản thân, trách nhiệm của mình”, Thủ tướng nói và cho rằng, “tất nhiên có việc giải quyết rồi nhưng dân chống đối, nhưng có nhiều việc chúng ta sai, ta không sửa, phó mặc chuyện đi KN, tạo thành những KN đông người, kéo dài”. Thủ tướng kiên quyết, từ năm 2018, sẽ thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội thì mời Chủ tịch tỉnh lên nhận người dân về giải quyết việc này. Về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng yêu cầu, tăng cường việc kiểm tra ngay trong nội bộ ngành mình, tỉnh mình, không để tình trạng báo cáo thì không có tham nhũng nhưng khi thanh tra, Ủy ban Kiểm tra vào cuộc thì lại phát hiện các vấn đề. “Các đồng chí có quan tâm việc chống tham nhũng ở địa phương mình không, cả về nguồn lực, vốn đầu tư, đất đai? Đừng để tình trạng trên nóng dưới lạnh”. Thủ tướng nêu rõ. Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2018, trong đó có việc nghiêm cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên. “Lãnh đạo các địa phương không phải lên biếu xén quà Tết cho lãnh đạo”, Thủ tướng lưu ý, phải chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được. |