Sở hữu một khu rừng đặc dụng với các cảnh quan tiêu biểu, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) trở thành khu Ramsar thứ tư của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Vườn quốc gia Tràm Chim đang từng bước tận dụng cơ hội để phát triển loại hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
Phát huy tiềm năng thu hút khách du lịch
Vườn quốc gia Tràm Chim hiện có tổng diện tích hơn 7.300 ha, phân bố trên địa bàn các xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim của huyện Tam Nông; bao gồm các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (khu A1), phân khu phục hồi sinh thái (các khu A2, A3, A4 và A5) và phân khu hành chính – dịch vụ (khu C). Trong đó, rừng tràm có diện tích gần 3.000 ha có tuổi thọ từ 10 – 20 năm, thảm thực vật phong phú với trên 130 loài khác nhau hình thành các kiểu quần xã đặc trưng như: Quần xã sen, lúa trời, năng, cỏ ống, rừng tràm và đầm lầy phân bố xen kẽ với nhau. Đây cũng là nơi sinh sống, trú ngụ của hơn 250 loài chim nước, trên 100 loài cá nước ngọt, 190 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác. Đặc biệt, Vườn quốc gia Tràm Chim còn là một trong số ít nơi còn loài sếu đầu đỏ nằm trong Sách đỏ thế giới cần được bảo tồn.
Vườn quốc gia Tràm Chim bảo tồn gần 3.000 ha tràm, gần 1.000 ha lúa trời, sen, súng, cỏ năn… và đây là nơi có hệ sinh thái Tràm Chim trở nên đặc biệt đa dạng vào mùa nước nổi ở miền Tây (từ tháng 8-11 âm lịch).
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong 7 điểm du lịch trọng điểm trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo. Với ý nghĩa là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ cảnh quang hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, đa dạng sinh học động thực vật đặc biệt phong phú, được xem là “lá phổi xanh” của Đồng Tháp Mười, một kho báu, một “viên ngọc xanh” của vùng đồng bằng châu thổ hạ nguồn Mekong. Tuỳ vào mỗi thời điểm trong năm, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ khai thác tour tham quan theo đặc trưng như, thưởng lãm cách đồng hoa hoàng đầu ấn, nhĩ cán tím, tham quan bãi chim mùa sinh sản, trải nghiệm mùa nước nổi…
Để mang lại cho du khách cảm giác chân thật về công việc sinh kế miền sông nước, Vườn quốc gia Tràm Chim đã chủ động liên kết, hợp tác với gần 30 hộ dân ở địa phương thực hiện tour tuyến trải nghiệm. Ngoài bơi xuồng đưa khách đi tham quan, người dân còn chuẩn bị một số ngư cụ quen thuộc, gắn liền với người miền Tây như lưới, lờ, lợp, trúm… và đảm nhận vai trò hướng dẫn cách đánh bắt. Khách du lịch đến đây được trực tiếp trải nghiệm làm ngư dân mùa nước nổi, được tự tay thả lưới, giăng câu, đặt lờ, lọp, trúm… để bắt cua, ốc, lươn, cá các loại.
Chị Võ Trần Mai Phương, ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, lần đầu tiên được trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn quốc gia Tràm Chim cảm giác rất thú vị. Vì được hòa mình với sông, nước, thêm vào đó được thấy thành quả lao động là những sản vật rất đặc trưng của miền Tây nên bản thân cảm thấy rất hứng thú với loại hình du lịch này. Ông Lê Hữu Tuy, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Công ty du lịch Đồng Tháp đánh giá, nhu cầu nghỉ dưỡng của khách từ các trung tâm thành phố về sông nước là khá cao. Với các hoạt động phong phú và đặc trưng như thế này sẽ tạo đà thu hút được một lượng lớn khách du lịch về với Tràm Chim.
Trong năm 2017, Vườn quốc gia Tràm Chim thu hút hơn 134 nghìn lượt khách, tăng 28,87% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu, đạt hơn 7,7 tỷ đồng, tăng 118,71% so với cùng kỳ năm 2016.
Khai thác theo hướng bền vững
Theo ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, hoạt động du lịch sinh thái có mối quan hệ qua lại mật thiết với môi trường, sự tồn tại và phát triển của du lịch sinh thái gắn liền với khả năng khai thác tài nguyên, khai thác đặc tính của môi trường xung quanh. Nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch sinh thái một cách hợp lý dễ dẫn đến suy thoái và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên. Theo đó, trước khi đưa vào phục vụ du khách, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát và phân khu các khu vực với tiêu chí hàng đầu là, không đặt nặng vấn đề hút khách mà bỏ qua bảo tồn, không khai thác tràn lan dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái.
Song song đó, vai trò của người dân vùng đệm góp phần quan trọng trong việc phát triển Vườn quốc gia Tràm Chim. Vấn đề đặt ra là phải tạo điều kiện thu hút nhân dân, nhất là nhân dân vùng đệm cùng quan tâm cùng gìn giữ, cùng khai thác, cùng hưởng lợi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và cùng bảo vệ di sản địa phương nơi mình sinh sống.
Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim cho biết, trong những năm trước đây, việc người dân xâm nhập, đánh bắt trái phép động vật tại Vườn quốc gia Tràm Chim rất khó kiểm soát và tràn lan, gây những ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái rừng, nhất là nguy cơ cháy rừng rất cao. Xác định được nguyên nhân chủ yếu là do người dân có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế không ổn định, nên bên cạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, Ban quản lý Vườn quốc gia đã tạo điều kiện mưu sinh cho các hộ dân vùng đệm. Nhờ vậy tình trạng khai thác trái phép đã giảm đáng kể.
Vườn quốc gia Tràm Chim còn kết hợp với cộng đồng người dân trong khu vực đưa các sản phẩm làng nghề truyền thống tại địa phương như làng khô xã Phú Thọ, làng kiệu xã Phú Hiệp…và các sản phẩm mới như mật ong tràm, tranh vỏ tràm.. để thu hút khách du lịch; kết hợp các hộ dân thực hiện mô hình dịch vụ homestay thực hiện nghỉ dưỡng cùng ăn, ở với người dân bản địa. Đến nay, đã có ba hộ dân bắt đầu triển khai gắn kết cùng du lịch Tràm Chim phát triển.
Mặt khác, thời gian qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã từng bước tăng cường công tác đầu tư tu bổ các phương tiện vận chuyển, hệ thống đê bao, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc, đài quan sát…phù hợp với cảnh quan môi trường thiên nhiên Đồng Tháp Mười nguyên thủy.
Chị Huỳnh Thị Kim Phượng, du khách đến từ Vĩnh Long cho biết, lần thứ hai đặt chân đến Vườn quốc gia Tràm Chim thấy có những chuyển biến tích cực từ cảnh quan thiên nhiên cho đến cung cách phục vụ. Trước đây, khung cảnh rất hoang sơ, dịch vụ du lịch hạn chế, đến giờ thì khu du lịch vẫn giữ nét đặc trưng của vùng sông nước nhưng cơ sở vật chất, phương tiện đưa đón được cải thiện đáng kể. Đồng thời, có rất nhiều tour tuyến hành trình và phương thức di chuyển để du khách lựa chọn.
Thay đổi nhận thức về bảo tồn hệ sinh thái Tràm Chim, gắn phát triển du lịch sinh thái với tính ổn định, bền vững thành sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười không những góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tràm Chim, mà qua đó còn mang đến những lợi ích cho cộng đồng địa phương.