Làm gì để đánh thức tiềm năng năng lượng tái tạo?

Với vị trí, điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Thế nhưng, hiện nay việc phát triển nguồn năng lượng này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các nguồn năng lượng khác.

Tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ

Theo nghiên cứu của PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), ĐBSCL hiện có 14 nhà máy nhiệt điện than đã, đang và sắp đi vào hoạt động. Bên cạnh khói bụi thì tro xỉ than cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường, kéo theo những hệ lụy về sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Giải quyết những vấn đề này, NLTT được xem là lựa chọn hàng đầu và ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ khai thác NLTT ở khu vực ĐBSCL vẫn còn rất hạn chế.

PGS, TS Lê Anh Tuấn lý giải, mỗi năm ĐBSCL nhận trung bình 2.200 đến 2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày là 4,3 đến 4,9kWh/m2. Trong tương lai, dự đoán mùa khô trong năm có thể là 7,5 tháng, số ngày có nhiệt độ trên 35ºC sẽ tăng từ khoảng 180 ngày/năm lên đến 210 ngày/năm. Ước tính cứ 1m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu được 5kWh điện mỗi ngày. Một yếu tố khác khiến việc khai thác năng lượng mặt trời ngày càng trở nên hấp dẫn là nơi đây có lợi thế bởi khu vực bán đảo thấp và phẳng, giáp biển. Với những thuận lợi về địa hình và điều kiện gió biển ven bờ mạnh (khoảng 5,5 đến 6m/giây ở độ cao 80m), tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 đến 1.500MW. Dự báo từ năm 2020 đến 2050, tốc độ gió của các tháng trong năm sẽ tăng từ 10 đến 20% so với hiện nay, năng lượng sóng biển sẽ gia tăng tương ứng với mức gia tăng tốc độ gió. Như vậy, nếu đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió gần bờ và cả xa bờ, nguồn cung động lực cho các turbine gió ngày càng dồi dào.


Hệ thống điện gió được lắp đặt tại tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài ra, ĐBSCL cũng có tiềm năng lớn nhất nước về điện sinh khối nhờ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, cụ thể là rơm rạ, cám, bã mía, phân gia súc… Mỗi năm lượng phụ phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL khoảng 23 triệu tấn, trong đó khoảng 3,8 triệu tấn trấu, gần 17 triệu tấn rơm rạ, hơn 372.000 tấn bắp; gần 1,4 triệu tấn bã mía… Nguồn nguyên liệu khổng lồ này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sản xuất điện sinh khối. Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế vốn có, thậm chí đang rất lãng phí. Chỉ tính riêng về rơm rạ, hằng năm đang lãng phí hơn 20 triệu tấn, do có 70% lượng rơm rạ bị đốt bỏ.

Ông Steven VonEife, Quản lý Chương trình tái tạo năng lượng tại Việt Nam cho rằng: “Cơ chế chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư là điểm nghẽn khi phát triển NLTT hiện nay. Các nhà đầu tư vẫn cảm thấy gặp rủi ro cao về tài chính trong đầu tư hay những hạn chế về năng lực chế tạo, lắp đặt và vận hành khiến chi phí đầu tư điện mặt trời cao hơn so với đầu tư vào điện đốt than và khí”.

Tạo “đòn bẩy” phát triển

Phát triển NLTT từ những tiềm năng ở ĐBSCL được xem là phương án đầu tư khả thi nhất bởi không phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ nước ngoài, ít gây ô nhiễm và đặc biệt là giá thành sẽ rẻ dần. Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “ĐBSCL cần tập trung sử dụng NLTT trong hai lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Quá trình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nếu được áp dụng các mô hình tái tạo năng lượng sẽ giảm rất lớn những tác động tiêu cực lên môi trường, đặc biệt là tận dụng được các phế, phụ phẩm như rơm rạ, phân chuồng, bùn ao nuôi…”.

Muốn thu hút, khai thác và sử dụng NLTT một cách hiệu quả, theo ông Phạm Minh Ngọc, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Nhà máy Điện Hậu Giang, Nhà nước cần có chính sách định hướng và hỗ trợ hợp lý, cụ thể, rõ ràng, toàn diện; cần đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm; đỡ đầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ nhằm nâng số lượng cũng như chất lượng sản phẩm.

Trong điều kiện của ĐBSCL hiện nay, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiềm năng của NLTT; có cơ chế ưu tiên trong hình thành, phát triển thị trường, trong quy hoạch và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển NLTT…