Sáng 26-12, thông tin cơn bão số 16 (còn gọi là bão Tembin) đã suy yếu thành áp thấp và tan dần là sự kiện quan trọng được người dân cả nước hân hoan đón nhận. Như vậy, hiểm họa của cơn bão số 16 với khu vực Nam bộ đã được giảm thiểu tối đa.
Đây là một cơn bão rất dữ dội, nên từ Chính phủ đến các ngành, địa phương và người dân đều đã tập trung ứng phó. Từ Hội nghị trực tuyến ứng phó cơn bão số 16, với sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các tỉnh, thành phố ở Nam bộ đã khẩn trương triển khai công tác di dời gần 1 triệu người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Lâu nay, nhiều cán bộ và nhân dân Nam bộ có tâm lý chủ quan, dửng dưng với hiểm họa bão, do vùng đất này đã rất nhiều năm không bị bão. Nay với sự tuyên truyền, nhắc nhở và việc triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với bão, đã xóa được tâm lý chủ quan này. Thực tế Nam bộ hiếm khi bị bão đổ bộ, nhưng không phải là không có bão.
Còn nhớ cơn bão Linda năm 1997 đã tàn phá khốc liệt, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh Tây Nam bộ. Do vậy, lần này với cơn bão số 16 dữ dội hơn, càng không được phép chủ quan. Ở một số tỉnh đã cho học sinh, công nhân nghỉ để tránh bão. Để đảm bảo an toàn cho dân vùng ven biển, việc di tản đã được thực hiện chu đáo, ai không di dời sẽ bị cưỡng chế.
Trong nỗ lực của mình, chính quyền TPHCM cũng đã huy động mọi nguồn lực và hệ thống chính trị để khẩn trương đưa 100% dân ở vùng có thể bị tổn thất nặng khi bão đổ bộ vào nơi trú an toàn. Tàu thuyền đánh bắt trên biển cũng được thông báo nguy cơ bão để nhanh chóng di chuyển về bờ neo đậu. Nhà cửa được chằng chống kỹ càng để giảm thiểu tổn thất. Lực lượng vũ trang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường nhân sự, phương tiện ứng trực, sẵn sàng ứng phó với bão số 16. Sở Giáo dục TPHCM đã có công điện khẩn chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học thời điểm dự báo bão đổ bộ. Đó là những cách ứng phó phù hợp với bão số 16.
Nay bão số 16 đã chuyển hướng, không đổ bộ vào đất liền. Bão tan, nhưng vẫn còn nguy cơ thiệt hại do mưa to, gió mạnh. Do vậy, người dân ở vùng xung yếu vẫn ở lại nơi tránh trú. Với gió mạnh thất thường, hàng ngàn phương tiện tàu thuyền vẫn chưa được phép ra khơi. Thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp.
Các nước có nền khoa học hiện đại, có thiết bị dự báo thời tiết tiên tiến vẫn không thể dự báo được thật chính xác diễn biến của bão, nên cũng phải cảnh báo và ứng phó như vậy. Có thể nói rằng chúng ta không chỉ rất mừng vì vừa thoát được hiểm họa bão dữ, mà còn rất mừng vì đã có một cuộc tổng diễn tập với sự tham gia nghiêm túc của người dân Nam bộ và cả hệ thống chính trị, cùng chung tay ứng phó với thiên tai.