Năm 2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tập trung triển khai xây dựng Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Trong xử lý các điểm nóng về môi trường chuyển từ “bị động sang chủ động”, chú trọng thanh tra theo chiều sâu.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, Tổng cục đã chọn “điểm nhấn” của năm 2017 là công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong năm 2017, Tổng cục đã tập trung triển khai xây dựng Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu nhằm hoàn thiện chính sách áp dụng các công cụ kinh tế để kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường theo nguyên tắc thị trường như các quỹ bảo hiểm, quota phát thải, nhãn sinh thái và các tín chỉ cacbon.
Đáng chú ý, Tổng cục đã xây dựng quy trình hướng dẫn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xử lý, ứng phó, giải quyết các vụ việc, sự cố môi trường khi xảy ra trên địa bàn; triển khai xây dựng hướng dẫn xử lý số liệu quan trắc online tự động; có văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chuẩn riêng của từng địa phương trên cơ sở quy hoạch, khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận, chất lượng môi trường nền của địa phương.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg đã có sự chuyển biến tích cực. Tính đến nay, đã có 400/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg bị xử lý, đạt tỉ lệ 91,1%. Hầu hết các các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg đều phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý triệt để theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường tới cộng đồng.
Đặc biệt, công tác phối hợp với các địa phương trong xử lý các điểm nóng về môi trường đã có nhiều đổi mới, chuyển từ “bị động sang chủ động”. Tổng cục đã kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý gần 20 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường xảy ra trên phạm vi toàn quốc.
Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường năm 2017 tiếp tục được đẩy mạnh, chú trọng hơn đến việc rà soát, giảm số lượng đối tượng đưa vào kế hoạch (giảm 228 đối tượng so với năm 2016) ngay từ khi rà soát. Năm 2017 tổ chức thanh tra 660 đối tượng trên địa bàn 31 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào các đối tượng thuộc danh mục 16 ngành nghề có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, các cơ sở có nguồn phát thải lớn; tăng thời gian thanh tra tại cơ sở “thanh tra theo chiều sâu”.
Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm tại các khu công nghiệp
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, năm 2018, Tổng cục Môi trường sẽ đẩy mạnh công tác kiểm soát ô nhiễm khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước.
Kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cũng sẽ được chú trọng. Tổng cục Môi trường sẽ tổ chức thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; hoàn thiện Kế hoạch giám sát chất lượng môi trường làng nghề, xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện Kế hoạch cho 8 loại hình làng nghề trong đó áp dụng thử nghiệm việc phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường.
Đồng thời tích cực triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và suy thoái nặng; trong đó tăng cường hoạt động điều phối triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.