Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2006-2011 khẳng định như vậy và cho rằng những sai phạm liên quan việc cấp sổ đỏ có thời hạn lâu dài thay vì chỉ 50 năm là “chính sách sáng tạo” của thời kỳ trước
Phóng viên: Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất – kinh doanh có thời hạn lâu dài thay vì 50 năm là sai. Sai phạm này xảy ra trong thời kỳ ông làm Chủ tịch UBND TP. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP hiện tại, cũng khẳng định sai phạm này xảy ra ở các thời kỳ trước. Quan điểm của ông về việc này?
– Ông Trần Văn Minh: Nói sai phạm này thuộc về các nhiệm kỳ trước là thiếu trách nhiệm, nhận thức không ra được vấn đề vì thời đó anh Thơ làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Lúc đó, TP đưa giá lên đất ở rồi nhưng theo quy hoạch khu này là sản xuất – kinh doanh nên không thể làm nhà ở được. Vì vậy, TP vận dụng sáng tạo để vừa lợi ngân sách mà người dân cũng thấy phù hợp với mục đích sử dụng. Chủ trương này từ hồi anh Thanh (ông Nguyễn Bá Thanh – PV) làm Bí thư và qua nhiều thời chủ tịch. Thấy sáng tạo như thế dân có lợi chứ không phải sai phạm, nếu sai phạm thì trung ương kỷ luật rồi. Sáng tạo này có hiệu quả nhưng chỉ không xin ý kiến trung ương. Bây giờ trung ương nói sai, có nhiều phương án để giải quyết và cũng dễ thôi, không có gì mà kéo dài như thế.
Cụ thể những hiệu quả đó là gì?
– Thứ nhất, nếu thời đó TP theo phương án doanh nghiệp nợ tiền đất và trả nhiều lần thì sẽ không có số tiền thu vào ngân sách lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thứ hai, thời điểm đó, lãi suất ngân hàng lên 12% và có lúc tới 15%. Cho nên khi đưa chính sách giảm 10% giá đất nếu trả một lần thì người mua đất mới tính toán thà vay ngân hàng để được giảm 10% còn hơn nộp từng đợt. Vì vậy, rất hiệu quả cho cả hai bên.
Nhưng việc cấp sổ đỏ loại đất sản xuất – kinh doanh song lại có thời hạn sử dụng lâu dài là không đúng luật?
– Hồi đó, trong bối cảnh dự thảo Luật Đất đai cũng có xu hướng đất sản xuất – kinh doanh mang tính lâu dài để người ta đầu tư yên ổn. Giao đất có thời hạn 50 năm, sau 50 năm sẽ gia hạn tiếp. 100 năm cũng giống lâu dài, thực sự là câu chữ chứ bản chất vấn đề nó cũng là lâu dài. Thanh tra thì họ bắt bẻ câu chữ, họ xác định sai thì chỉnh sửa cho phù hợp chứ không phải thu hồi sổ đã ghi sai ấy.
Người dân phần lớn sẽ không đồng ý chỉnh sửa lại từ lâu dài sang 50 năm. Theo ông, giải pháp là gì?
– Thứ nhất, nếu trước đây ghi sản xuất – kinh doanh mà có thời hạn lâu dài thì trước đó TP đã tính giá cao là đất ở rồi, bây giờ điều chỉnh cho họ chuyển đổi thành đất ở nhưng làm đúng quy hoạch mà TP quản lý, chỉ được xây khách sạn, nhà hàng chứ không phân lô bán nền.
Thứ hai, nếu hồi đó những khu đất bán với giá sản xuất – kinh doanh, giờ muốn làm đất ở thì phải nộp thêm 30% nữa, nếu không chấp nhận thì phải đưa sổ để điều chỉnh lại thành đất sản xuất – kinh doanh có thời hạn 50 năm, hết 50 năm có thể gia hạn lại. Ăn thua cái câu này, nếu mà ghi 50 năm thôi thì dân chưa chịu đâu. Tất nhiên, chuyện này phải đối thoại cho dân rõ.
Thanh tra Chính phủ kết luận Đà Nẵng làm thất thoát 3.400 tỉ đồng, cụ thể thất thoát như thế nào và liệu có thu hồi được số tiền này?
– Một là, nộp tiền mua đất một lần sẽ được giảm 10%. Hai là, những lô đất lớn ban đầu áp giá giống như những lô đất nhỏ. Ba là, một số lô đất TP quyết định thấp hơn giá của Hội đồng Định giá TP. Thanh tra Chính phủ cho đó là chênh lệch và cộng ba cái đó ra con số 3.400 tỉ đồng. Trước đó TP cũng đã có văn bản báo cáo với Chính phủ về vấn đề giải quyết số tiền này. Thứ nhất, trong việc giảm 10% giá đất đối với những người nộp tiền một lần áp dụng cho hộ tái định cư thì bỏ ra, số tiền đó cũng đã 1.300 tỉ đồng. Thứ hai, sau khi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, thống nhất là miếng đất lớn có tính đến hệ số về tỉ lệ xây dựng, ví dụ như cho dự án nhưng xây dựng chỉ 60% thôi còn lại là hạ tầng, đường sá… như vậy, với tỉ lệ đó thì không thể lấy giá đất khu đất nhỏ áp vào khu đất lớn. Thứ ba, sau khi Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đồng ý thẩm quyền định giá thuộc về UBND TP còn Hội đồng Định giá chỉ là cơ quan tham mưu. Bây giờ chỉ còn một số ít nằm trong diện nộp một lần mà mình giảm 10% là đất của các doanh nghiệp. Chính cái này mới dẫn đến phương án điều chỉnh sổ đỏ, phải xem đối tượng để điều chỉnh cho phù hợp. Cái này UBND TP Đà Nẵng cũng vì điều chỉnh đối tượng không phù hợp nên Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận là làm không đúng chỉ đạo. Trừ những cái đó ra thì làm gì còn 3.400 tỉ đồng. Còn lại chỉ là chỉnh đối tượng như nói ở trên.