Theo thông tin mới nhất, cơn bão nhiệt đới có tên là Kai-Tak đã đổ bộ vào Visayas, phía Đông đảo Samar, hòn đảo lớn thứ 3 ở Philippines, làm ít nhất 3 người thiệt mạng, 6 người bị thương và gây mất điện trên diện rộng.
Hàng nghìn hành khách đã mắc kẹt tại các cảng biển khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển ngừng dịch vụ tàu phà.
Cơ quan Quản lý và giảm thiểu nguy cơ thiên tai quốc gia (NDRRM) của Philippines cho biết nạn nhân gồm một bé trai 2 tuổi, chết đuối trong lũ ở tỉnh Leyte. 3 người khác là những người đã được thông tin là mất tích sau vụ lở đất ở Biliran, một tỉnh đảo ở miền Trung.
Trước đó, hơn 38.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa vì lũ lụt do ảnh hưởng của bão.
Theo Cục Thời tiết quốc gia (PAGASA), bão đã đổ bộ vào lúc 13h30 giờ địa phương (tức 14h30 giờ Hà Nội), đem theo mưa lớn gây lụt lội và lở đất tại nhiều vùng. Gió mạnh tới 110km/h đã ảnh hưởng tới nhiều tỉnh ở Visayas (miền Trung Philippines) và phía Nam đảo chính Luzon.
Mỗi năm có khoảng 20 cơn bão lớn nhỏ đổ bộ vào Philippines hoặc hoành hành ở vùng biển nước này, khiến hàng triệu người phải sống trong nỗi lo thiên tai và nghèo đói. Cách đây 4 năm, Samar và Leyte là nơi từng hứng chịu trận siêu bão Haiyan, làm hơn 7.350 người thiệt mạng hoặc mất tích.
Liên quan đến trận động đất mạnh 6,5 độ Richter tối 15/11 tại đảo Java của Indonesia, con số thương vong đã tăng lên 3 người thiệt mạng và 5 người bị thương. Nạn nhân gồm một người đàn ông 62 tuổi ở Ciamis, một người phụ nữ 80 tuổi ở Pekalongan tử vong do nhà sập.
Trong khi người còn lại là một phụ nữ 34 tuổi ở thành phố Yogyakarta, thiệt mạng khi nhảy ra khỏi nhà mình. Một số bệnh viện ở nhiều khu vực đã bị hư hại, khiến hàng chục bệnh nhân phải đi sơ tán. Ít nhất 900 nhà dân, cùng nhiều trường học và cơ quan chính phủ ở các tỉnh Tây Java và Trung Java cũng bị hư hại
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất đã làm rung chuyển khu vực huyện Cipatujah, thuộc tỉnh Tây Java, với tâm chấn ở độ sâu 92km, và chỉ cách thủ đô Jakarta khoảng 300km. Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia Indonesia cho biết trận động đất đã kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm sóng thần ở khu vực Nam Java. Tuy nhiên, sau đó Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương không phát hiện sóng thần và đã tắt cảnh báo.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra nhiều biến động địa chất. Cuối năm 2016, một trận động đất mạnh đã xảy ra tại tỉnh Aceh làm hơn 100 người thiệt mạng và đẩy hàng chục nghìn người lâm vào cảnh vô gia cư.