Thủy điện Đắk Srông 3A tích nước, gây ngập chết cây trồng nhưng chủ đầu tư không chịu bồi thường
UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết sắp tới sẽ tiến hành đo đạc lại cao trình thủy điện Đắk Srông 3A, do Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Tô Na (Công ty Hoàng Anh Tô Na) làm chủ đầu tư. Trường hợp diện tích hoa màu bị ngập ngoài cao trình cho phép, huyện sẽ xin ý kiến UBND tỉnh để đề nghị chủ đầu tư đền bù cho dân.
Ngập do thiên tai nên phủi trách nhiệm?
Theo phản ánh của người dân xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, từ khi thủy điện Đắk Srông 3A xây dựng, tích nước vào năm 2014, cứ khi mưa xuống là diện tích hoa màu của họ bị ngập nặng, làm chết hàng loạt cây trồng.
Trang trại của ông Phạm Văn Sinh tại buôn Phùm Ang, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa rộng 7,2 ha. Năm 2014, Công ty Hoàng Anh Tô Na thu hồi và bồi thường cho gia đình ông 2 ha, còn lại ông tiếp tục canh tác. Cứ mưa thì hồ thủy điện xả nước khiến diện tích cây trồng và vật nuôi của ông bị ngập nặng. Ông Sinh đào ao nhưng không thể thả cá vì ngập. “Heo, bò thì phải lùa lên cao, con nào chạy không kịp thì chết đuối. Tháng 10-2016, gần 50 con heo bị chết, tôi được nhà nước hỗ trợ 42 triệu đồng nhưng phía thủy điện thì không” – ông Sinh bức xúc.
Nhiều người dân ở buôn Phùm Ang cũng lâm vào tình cảnh tương tự và đã nhiều lần phản ánh. Chính quyền đã mời đại diện chủ đầu tư lên làm việc nhưng họ không đồng ý bồi thường vì cho rằng phần bị ngập đã được bồi thường, diện tích còn lại bị ngập là do… thiên tai nên không có trách nhiệm. “Họ nói như vậy là phủi trách nhiệm. Ngay cả trận lũ lịch sử năm 1999, đất của tôi cũng không ngập nhưng từ khi thủy điện chặn dòng thì cứ mưa lớn là ngập. Vậy không do thủy điện thì do gì?” – ông Sinh thắc mắc.
Ngoài huyện Krông Pa, nhiều diện tích quanh hồ thủy điện của người dân ở thị xã Ayun Pa cũng bị ngập mỗi khi có mưa lớn. Ông Trần Anh Khả – có trang trại tại xã Ia Tô, thị xã Ayun Pa – đã nhận bồi thường 2 ha đất, phần đất còn lại của ông lên đến 4 ha thường xuyên bị ngập. Gia đình ông đã khiếu nại nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bồi thường.
Không đền bù, chỉ hỗ trợ
Theo một cán bộ UBND huyện Krông Pa, ngoài những hộ dân đã nhận đền bù phần diện tích canh tác thu hồi bị ngập, còn lại có 9 hộ dân khác bị ảnh hưởng mỗi khi trời mưa nhưng chưa được đền bù. Những trường hợp này, chính quyền địa phương đã làm cầu nối để doanh nghiệp và người dân tự thương lượng.
Ngày 22-5, UBND xã Ia Rsươm đã làm việc với Công ty Hoàng Anh Tô Na. Ông Hoàng Văn Trìu, Chủ tịch UBND xã, nêu ý kiến công ty tiếp tục đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân thường xuyên bị ngập úng. Bởi lẽ, từ khi nhà máy được xây dựng, vận hành thì mỗi khi có mưa lớn, nước tràn về gây ngập hoa màu, tài sản trong khi nước dưới đập thủy điện không có.
Tuy nhiên, ông Bùi Anh Diễn, Giám đốc Công ty Hoàng Anh Tô Na, cho rằng đã thực hiện việc bồi thường trước khi đưa nhà máy vào hoạt động. Vì vậy, công ty sẽ không tiếp tục đền bù cho người dân như kiến nghị. Phía chủ đầu tư chỉ thống nhất sẽ hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại 2-3 triệu đồng nhưng người dân không đồng ý, tiếp tục kiến nghị lên cấp trên.
Thủy điện An Khê – KaNak dây dưa sau thu hồi đất
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai mới đây, cử tri thị xã An Khê đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện An Khê – KaNak giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, tái định cư và hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất dưới 30% của vùng dự án vì đến nay nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết như cam kết. Trả lời cử tri, UBND tỉnh Gia Lai cho rằng công trình thủy điện An Khê – KaNak đã thu hồi đất từ năm 2008-2009. UBND thị xã An Khê cần phối hợp với các sở, ngành liên quan thu thập hồ sơ, tài liệu, xác định cơ sở pháp lý tại thời điểm thu hồi đất để thực hiện theo đúng quy định. |