Xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn hang Con Moong

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa với phạm vi lên tới  977,568ha. Khu vực bảo vệ  gồm có Hang Con Moong, Hang Lai, Hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, đất đắp núi Đầu Voi, hang Diêm, hang và mái đá Mộc Long…

Việc lập quy hoạch nhằm nhận diện rõ hơn giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận; bảo vệ di tích và cảnh quan, môi trường di tích gắn với phát huy bản sắc văn hóa địa phương; kết nối di tích với các khu vực cảnh quan sinh thái vườn quốc gia Cúc Phương, hình thành các sản phẩm di lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.


Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch cũng xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích; định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.

Xác định tình trạng và nguyên nhân gây xuống cấp, nhận diện các tác động tiêu cực đến di tích và cảnh quan, các yếu tố cần bảo tồn; xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị điều chỉnh mở rộng các khu vực bảo vệ, xác định các khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới.

Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận do UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan thực hiện.

Hang Con Moong (thuộc bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) được phát hiện năm 1974, đến năm 2008 được công nhận là Di tích Quốc gia. Tháng 11-2016, di chỉ đặc biệt này tiếp tục được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển văn hóa, gồm giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn và Đa Bút. Kết quả nghiên cứu carbon và phóng xạ các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở hang Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ học khác cho thấy niên đại sớm nhất của hang Con Moong được dự đoán 40.000 – 60.000 năm trước. Đây là một trong số ít những di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.

Theo các nhà sử học, hang Con Moong có địa tầng dày trung bình 9,5 m với 10 lớp có cấu trúc khác nhau. Từ lớp 1 đến lớp 6 (độ sâu 1- 6 m), các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Từ lớp 7 đến 10 không gặp dấu tích động vật nhưng phát hiện nhiều công cụ mảnh tước chế tác bằng đá quartz, tập trung nhiều nhất ở lớp 10 (độ sâu 8,5 – 9,5 m).

Nguồn: