Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng năm 2016 – 2020 của tỉnh Đắk Lắk vào tháng 7-2017 cho thấy, toàn tỉnh có đến 122.492 ha rừng và đất lâm nghiệp chuyển ra khỏi quy hoạch ba loại rừng do hầu hết diện tích này rừng đã bị… phá.
Liên tục mất rừng
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 721.788 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là 526.354 ha và diện tích đất chưa có rừng là 206.178 ha. Toàn bộ diện tích rừng được giao cho 15 công ty lâm nghiệp, bảy ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng, bốn BQL rừng phòng hộ, 69 doanh nghiệp (DN) với 78 dự án quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, khoanh nuôi bảo vệ rừng và một phần giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Tình trạng phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn ra thường xuyên nhưng không được xử lý triệt để. Ngay tại vùng lõi của rừng tự nhiên ở các huyện Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắc, nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá trái phép để tận thu gỗ, trụ tiêu, đốt than, sau đó lấy đất sản xuất… Nhưng lực lượng chức năng không xử lý hoặc chỉ xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng phá rừng ngoài dân tại chỗ, dân di cư tự do còn có các đối tượng thuê người dân phá rừng lấy đất để đầu cơ hoặc bán, nhưng huyện, xã không kiểm soát được. Thậm chí như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông, để người dân phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất, sau đó chính công ty này phải… thuê lại đất đó để trồng rừng…
Đặc biệt những ngày cuối tháng 11 vừa qua, tình trạng phá rừng tự nhiên tại Đắk Lắk lại nóng lên khi lực lượng chức năng huyện Ea H’leo phát hiện một vụ phá rừng với quy mô lớn tại lô 3, khoảnh 3, lô 12 khoảnh 4, tiểu khu 22 thuộc diện tích rừng do Công ty lâm nghiệp Chư Phả quản lý nằm trên địa bàn xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo. Kiểm tra hiện trường phát hiện hai đầu kéo xe Zang Ma, hai rơ-moóc xe Zang Ma, hai xe cày tay, một xe máy, hai cưa xăng do các đối tượng bỏ lại, gần hiện trường tập kết gỗ có các gốc cây mới chặt hạ, có dấu vết kéo gỗ về tập kết. Hạt kiểm lâm huyện Ea H’leo phối hợp Công ty lâm nghiệp Chư Phả đo đếm được 126 lóng, hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VII với tổng cộng hơn 45 m³. Đây là vụ khai thác, vận chuyển và tập kết gỗ quy mô lớn, có tổ chức.
Không đủ sức răn đe
Gần đây, trên địa bàn các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Ea Kar và Krông Bông, liên tục xảy ra các vụ phá rừng tự nhiên với quy mô lớn, nhưng chủ rừng và các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk và các huyện vẫn chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn được. Mặc dù trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng và kiểm điểm các tập thể, cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng… Thế nhưng, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục xảy ra.
Giám sát của HĐND tỉnh còn cho thấy, nhiều DN thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án phát triển nông, lâm nghiệp nhưng không hiệu quả, để rừng bị tàn phá và đất rừng bị lấn chiếm xảy ra trong thời gian dài với diện tích lớn nhưng không được xử lý, thậm chí có dự án lợi dụng thuê đất, thuê rừng để khai thác rừng trái phép. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thanh Hiệp, quy trình giao đất, cho thuê đất thiếu chặt chẽ, chưa kiểm kê rừng khi giao nên sau khi giao cho DN thực hiện dự án, dẫn đến mất rừng nhưng không đủ cơ sở để xử lý, nhất là việc chuyển đất rừng sang thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Thậm chí có dự án sau vài năm triển khai đến nay rừng bị xóa sổ hoàn toàn, đất rừng bị mua bán, sang nhượng bất hợp pháp và để người dân vô tư lấn chiếm.
Theo Đoàn giám sát HĐND tỉnh, nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý bảo vệ rừng chưa tốt; có hiện tượng tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, có nơi thông tin về công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng bị lọt ra ngoài, lực lượng kiểm tra chưa đi nhưng lâm tặc đã biết trước để ứng phó… Trong khi đó, công tác xử lý vi phạm lâm luật và xử lý các chủ rừng, các ngành liên quan để mất rừng, lấn chiếm đất rừng chưa nghiêm và chưa đủ sức răn đe.
Từ năm 2012 đến năm 2016, các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 9.988 vụ vi phạm lâm luật, trong đó chủ yếu là xử phạt hành chính với 9.884 vụ, xử lý hình sự 104 vụ, tịch thu 5.835 phương tiện như ô-tô, máy kéo, công nông, xe máy, máy móc các loại… và hơn 18.223 m³ gỗ các loại, trong đó 1.240 m³ gỗ quý hiếm, tổng số tiền xử phạt và bán lâm sản tịch thu lên tới hơn 129 tỷ đồng. |