Hội nghị thượng đỉnh “Một hành tinh” dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Pháp đã diễn ra tại thủ đô Paris ngày 12/12.
Đây được xem là cơ hội để các nước có thể đạt được những bước tiến cụ thể trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử này. Ngay trong ngày khai mạc, hội nghị đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đại biểu tham dự, dù không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh “Một hành tinh” quy tụ hàng trăm nhà lãnh đạo quốc tế trong mọi lĩnh vực, quyết tâm thể hiện sức mạnh của tập thể khi phản đối mặt với một vấn đề toàn cầu như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, huy động tài chính công và tư là 3 mục tiêu then chốt của Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu này.
Hội nghị nhằm thúc đẩy nhanh việc huy động tài chính công và tư cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như tìm kiếm những cách thức tài trợ mới để đẩy mạnh hơn nữa việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngay trong ngày khai mạc, hội nghị đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố một khoản quỹ trị giá 140 triệu bảng Anh nhằm hỗ trợ các nước nghèo nhất song lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng cho biết, Anh sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh mang tính đột phá về phương tiện giao thông không phát thải khí gây ô nhiễm vào năm 2018 như một cách để bảo vệ môi trường.
“Tôi xin tuyên bố sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh mang tính đột phá về phương tiện giao thông không phát thải khí gây ô nhiễm vào năm tới. Chúng tôi muốn cho thế giới thấy rằng, nước Anh đang thích ứng với tương lai thông qua những giải pháp giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường”, bà May nói.
Ngân hàng Thế giới trong một tuyên bố cho biết sẽ không bao giờ tài trợ cho các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sau năm 2019 ngoài trừ các dự án khí đốt ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới ở một số trường hợp ngoại lệ.
Mặc dù Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định Paris song đại diện Mỹ có mặt tại hội nghị, cựu Thống đốc bang California, Mỹ Arnold Schwarzenegger cho biết, quyết định này không thể hiện ý nguyện của phần còn lại của nước Mỹ.
Trong khuôn khổ hội nghị, 12 dự án tài trợ cũng đã được công bố, tập trung vào những ưu tiên tiến tới chuyển đổi và phát triển carbon thấp; tăng cường thích ứng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đoàn kết và nâng cao năng lực của các quốc gia, nhất là các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là hiệp định có phạm vi rộng hơn bất kỳ thỏa thuận về khí hậu nào, được Liên minh châu Âu (EU) và 194 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016. Thỏa thuận kêu gọi giảm lượng khí thải CO2 với kỳ vọng có thể hạn chế hiện tượng Trái Đất nóng lên, giới hạn mức nhiệt tăng lên so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp chỉ ở quanh mức 2 độ C.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp định này vì cho rằng hiệp định trên không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, làm cho nhiều người lao động bị mất việc làm.