Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong thiên tai

Ngày 9/12, tại Hà Nội, CLB Nhà Báo xanh phối hợp với Connect Youth tổ chức chương trình Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong vùng thiên tai.

Chương trình được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn lắng nghe và chia sẻ kỹ năng tác nghiệp an toàn, viết báo trong điều kiện thiên tai.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ và hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương gần 1,3 tỷ USD). Đáng chú ý, năm 2013, phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen – Đài truyền thanh Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã ra đi khi đưa tin siêu bão Haiyan.


Phóng viên tác nghiệp tại vùng lũ. (Ảnh: KT)

Và năm 2017, phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư – Thông tấn xã Việt Nam cũng gặp tai nạn tương tự trong trận lũ tại cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái.

Bà Nguyễn Thị Yến, Cố vấn chương trình Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Care International Việt Nam) đã giới thiệu các loại thiên tai ở Việt Nam, tổng quan về tình hình quản lý rủi ro thiên tai và kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, có những vấn đề cần quan tâm như đẩy mạnh tiếp cận dựa vào cộng đồng; tiếp cận nâng quyền hướng tới bình đẳng giới; cảnh báo sớm và ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan; đô thị hóa và phát triển rủi ro môi trường, thiên tai và tiếp cận tổng hợp giảm nguồn lực, tăng hiệu quả…

Chia sẻ tại chương trình, nhà báo Hoàng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ), cho rằng tác nghiệp trong thiên tai là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi phóng viên phải có những kỹ năng tổng hợp, không chỉ là năng lực báo chí chuyên môn, mà cần cả kỹ năng phân tích tình huống, kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách logic và biện chứng.

“Đề tài về thiên tai cũng không chỉ đơn thuần là việc phản ánh bao nhiêu người chết, thiệt hại về vật chất ra sao, mà sâu xa cuối cùng chính là phản ánh về những con người tại vùng xảy ra thiên tai”, ông Dũng cho biết.

Từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân, nhà báo Hoàng Quốc Dũng cho rằng kỹ năng tác nghiệp báo chí trong thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cho các phóng viên hiện trường, chủ yếu dựa vào hai khía cạnh: chủ thể đưa tin và khách thể.

Ví dụ khi phóng viên tác nghiệp bão lũ, nên đến nơi được dự đoán chịu ảnh hưởng mạnh vài ngày trước khi bão ập tới, xem xét khu vực, bọc các thiết bị bằng phụ kiện chống nước, chuẩn bị dự trữ lương thực, sẵn sàng áo phao cứu hộ, mũ bảo hiểm và quần áo hộ thân trong trường hợp khẩn cấp…

Ngoài ra, khi ra hiện trường, do không thể đánh giá tình hình bão tồi tệ đến đâu nên phóng viên cần phải kết nối thông tin với đội ngũ trợ giúp ở nhà, chính quyền địa phương, hướng dẫn địa điểm nên đến và đánh giá điều kiện an toàn… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

Cũng theo Nhà báo, hiện nay có rất nhiều phóng viên trẻ làm về vấn đề thiên tai, thế mạnh của nhóm này là có khả năng phản xạ nhanh. Tuy nhiên, những phóng viên trẻ lại thiếu sự chín chắn, sự bình tĩnh và sâu xa khi tác nghiệp trong vùng thiên tai. Đây là những điểm các phóng viên cần khắc phục khi phản ánh các vấn đề về thiên tai để đảm bảo an toàn cho bản thân và có những tác phẩm báo chí tốt.

Bên cạnh đó, trước khi ra hiện trường, các phóng viên cũng nên tìm hiểu về những khía cạnh có thể khai thác, đọc tài liệu, trao đổi với các chuyên gia trong ngành để có cái nhìn cụ thể, chính xác về vấn đề.