Rừng Mỹ Sơn gần 10 năm loay hoay cắm mốc phân vùng

Dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng diện tích 11.580.000m2 (1.158ha) bao gồm quần thể di tích và cảnh quan khu vực xung quanh di sản Mỹ Sơn.

Khách nước ngoài tham quan quần thể di sản Mỹ Sơn

Tuy nhiên, gần 10 năm qua, việc cắm mốc, giao đất, giao rừng giữa các bên liên quan vẫn chưa được triển khai.

Lúng túng quản lý rừng

Trong số 1.158ha diện tích được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định khoanh vùng bảo vệ, ngoài quần thể đền tháp chiếm số lượng nhỏ, hầu hết diện tích còn lại là rừng đặc dụng, chủ yếu thuộc các xã Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Phú (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và xã Sơn Viên, Quế Trung (huyện Nông Sơn, Quảng Nam). Để quản lý rừng, ngoài việc thành lập đội an ninh và bảo vệ rừng với số thành viên chuyên trách 30 người thường xuyên tuần tra kiểm soát, phá dỡ các bẫy thú đặt trái phép, đẩy đuổi trâu bò thả rông ra bên ngoài, Ban Quản lý di sản Mỹ Sơn cũng đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, công cụ chữa cháy rừng chuyên dụng như vỉ dập lửa, bình chữa cháy, can nhựa, máy thổi gió, đồ bảo hộ…; tổ chức phát tuyến hàng chục kilômét đường băng xanh ngăn chặn cháy lan, giúp cho công tác ứng cứu khi có cháy rừng được cơ động hơn, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra…

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Duy, Trưởng phòng An ninh bảo vệ Mỹ Sơn, đối với các hành vi săn bắn, đốt than hay xâm phạm tài nguyên rừng, công tác quản lý kiểm tra của đội gặp nhiều khó khăn do việc cắm mốc, phân vùng vẫn chưa được thực hiện triệt để. “Đây là khu vực có địa hình phức tạp, dân số đông, nhiều nơi người dân sống cách rừng chỉ vài trăm mét, kể cả sử dụng đất rừng để sản xuất canh tác nên rất khó trong công tác quản lý hoặc di dời dân ra bên ngoài”, ông Duy cho biết.

Cũng theo ông Duy, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn đến nay, việc cắm mốc, phân vùng, giao đất, giao rừng cho ban quản lý Mỹ Sơn, hay chính xác hơn là quyền quản lý rừng vẫn chưa được xác lập. “Chúng tôi rất khó khăn trong quản lý, kiểm soát rừng, nhất là với những hộ dân sống sát rừng vẫn hay vào rừng săn bắt động vật, đốt than, đốt mật ong… Trường hợp phát hiện người dân xâm phạm khai thác tài nguyên rừng trái phép thì cũng chẳng biết xử lý thế nào, cùng lắm là dẫn giải về giao công an xã răn đe rồi thả về, gặp ai cự cãi bắt bí lại cũng chịu vì mình chưa được bàn giao hồ sơ, sơ đồ, tọa độ khoanh vùng gì cả”, ông Duy nói.

Chủ động

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thừa nhận, việc chậm trễ cắm mốc, phân vùng quản lý rừng là câu chuyện đã kéo dài gần 10 năm nay, dù ban quản lý đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên các cấp ngành liên quan của tỉnh nhưng vẫn không thấy triển khai. “Theo tôi biết, việc cắm mốc trước đây được UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT-DL tỉnh nhưng chưa thấy thực hiện. Lý do sở đưa ra là không có nguồn kinh phí”, ông Khiết chia sẻ.

Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân chậm trễ trong việc cắm mốc, giao đất, giao rừng Mỹ Sơn chủ yếu do đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ VH-TT-DL) không chịu bàn giao hồ sơ nên sở không có cơ sở để chỉ vị trí cắm mốc. Viện cứ im lặng, bây giờ sở cũng chịu thôi, đâu biết mốc ở chỗ nào mà bàn giao…”, ông Tịnh bức xúc.

Dù việc bàn giao, cắm mốc quản lý rừng chưa thể thực hiện, nhưng thời gian qua công tác bảo vệ và phát triển rừng khu vực di sản Mỹ Sơn đã có những tiến bộ, nhất là sự phục hồi của hệ động thực vật, ước đoán diện tích che phủ rừng đạt trên 70% so với trước đây, trong đó số cây lớn có tán rộng chiếm từ 40%-50%. Đặc biệt, các loại cây họ danh mộc có nguy cơ bị tiệt chủng như chò, chua, trao, kơnia, giẻ đỏ… đã được bảo vệ và phát triển tốt. Thậm chí, nhiều cá thể cây có đường kính thân vài người ôm xuất hiện tại khu vực Hòn Đền – Nà Thắng. Cùng với đó, các loại động vật hoang dã như heo rừng, gà rừng, gà gô, trĩ, mang, khỉ, các loài chim cũng đã quay về cư trú sinh sôi phát triển mạnh. Công tác phát triển rừng, bảo tồn các nguồn gen quý cũng được chú trọng, như tổ chức trồng các loài cây bản địa họ danh mộc như lim xanh, chò, gõ đỏ, cẩm lai, lát hoa, dầu rái… nhằm phát triển rừng theo tiêu chí rừng đặc dụng và rừng tạo cảnh quan di tích lịch sử.

Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, hơn 10.000 cây danh mộc đã được trồng bổ sung trên diện tích hàng trăm hécta khu vực Mỹ Sơn, dự kiến thời gian tới, mỗi năm sẽ có thêm 5.000 cây danh mộc khác được trồng dặm thêm vào, bắt đầu từ vùng lõi mở rộng ra các xung quanh, nhất là tại những vùng rừng dù có cây che phủ nhưng chưa có cây danh mộc. Đây là những kết quả đáng khích lệ. So sánh với 20 năm trước, khi khu vực xung quanh Mỹ Sơn chỉ là những ngọn đồi núi trọc. Nói như ông Hồ Xuân Tịnh: “Bây giờ Duy Xuyên phải tính toán, kể cả phối hợp với huyện Nông Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng chứ không thể chờ Viện Bảo tồn di tích được. Bảo vệ rừng là trách nhiệm của địa phương, không có đề án đó địa phương vẫn bảo vệ rừng chứ không phải là giao mốc hay không giao mốc. Thời gian qua cũng đã chứng minh công tác quản lý rừng của Mỹ Sơn rất tốt”.

Để đẩy nhanh việc cắm mốc, giao đất, giao rừng, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đã chủ động xin UBND tỉnh xây dựng đề án “Bảo vệ rừng cảnh quan Mỹ Sơn” và đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương. Sau khi hồ sơ đề án được tỉnh phê duyệt, việc cắm mốc sẽ được triển khai.

Hiện tại, ban quản lý đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn để xúc tiến lập đề án trình UBND tỉnh xem xét theo trình tự thủ tục và phê duyệt kinh phí (khoảng 600 triệu đồng). “Khi đề án bảo vệ rừng cảnh quan di sản hình thành và thuộc quyền bảo vệ của mình, lúc đó việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ thuận lợi hơn, vì nó bao gồm tất cả diện tích như phê duyệt quy hoạch trước đây của Thủ tướng Chính phủ.

Nói Mỹ Sơn quản lý 1.158ha nhưng mình có được giao quyền quản lý đâu. Do đó, khi đề án được thông qua, trên cơ sở đó người ta mới tiến hành cắm mốc giao diện tích rừng này cho Mỹ Sơn để mình có thực quyền, nếu suôn sẻ thì năm 2018 sẽ hoàn thành việc này”, ông Khiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết.

 

Nguồn:
Ngọc