Ngày 8/12, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ thành công 6 cá thể gấu ngựa tại một trang trại ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Sáu cá thể gấu đều được gắn chíp điện tử, đã được nuôi nhốt tại trang trại trên dưới 12 năm. Các cá thể gấu được khám lâm sàng, dụ sang lồng vận chuyển chuyên biệt và kéo lên xe tải, vượt qua hơn 1.500 km về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Các cá thể gấu ngựa gồm ba cá thể đực, ba cá thể cái lần lượt được Tổ chức Động vật châu Á đặt tên là Mi, Mana, Ánh Sáng, Holly, Manu và Tim. Các cá thể gấu do sống nhiều năm trong các cũi sắt với không gian tối thiểu, đều có vấn đề về khớp, răng, bệnh ngoài da và có cá thể có dấu hiệu bị mù.
Chủ nuôi của sáu gấu ngựa trên là anh Nguyễn Tiến Ngọc đã tự nguyện chuyển giao toàn bộ 14 cá thể thuộc sở hữu của mình cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vào năm 2011. Kể từ đó tới nay, với rất nhiều nỗ lực vận động của anh Tiến Ngọc, các cổ đông đồng sở hữu 6 cá thể gấu này đã đồng ý để gấu được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam – “thiên đường” của gấu ở Việt Nam, nơi hiện có 10 khu bán tự nhiên rộng rãi xanh mướt đủ điều kiên nuôi gấu di chuyển tự do.
Sau khi về tới Trung tâm Cứu hộ, theo quy trình, ngay trong giai đoạn cách ly 45 ngày đầu tiên, gấu sẽ được chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng, được khám sức khỏe toàn diện, trước khi được ra các nhà gấu, ghép nhóm và thả ra các khu bán tự nhiên.
Đây là chuyến cứu hộ đánh dấu một năm thành công của Tổ chức Động vật châu Á, cứu hộ được 17 cá thể gấu đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, riêng tỉnh Bình Dương là 15 cá thể.
Tính tới thời điểm này, Bình Dương là địa phương mà Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ được nhiều gấu nhất, với tổng số 48 cá thể. Thêm 6 cá thể gấu mới, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ thành công 192 cá thể gấu ngựa và gấu chó. Hiện có 176 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Tỉnh Bình Dương là một điểm nóng của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2005 có 317 cá thể gấu ở Bình Dương, nhưng đến 2014, con số này giảm đáng kể chỉ còn 155.
Bị thu hẹp môi trường sống do sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên và nạn săn bắt gấu tự nhiên, đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam vào đầu năm 2015, chỉ còn khoảng 1.245 cá thể gấu ngựa đang bị giam cầm trong 430 trại nuôi nhốt gấu trên cả nước.
Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ. Những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên. Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm.