Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đak Lak khóa 9: “Rừng vẫn nóng”

Tỉnh Đak Lak hiện có hơn 720.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất có rừng hơn 526.000 ha.

Tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Đak Lak khóa 9, hôm nay (7/12), nội dung giám sát chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Các ý kiến phát biểu kỳ họp cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đak Lak vẫn còn nhiều bất cập.

Tỉnh Đak Lak hiện có hơn 720.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất có rừng hơn 526.000 ha. Rừng đã được giao cho 15 công ty lâm nghiệp, 7 ban quản lý rừng đặc dụng, 4 ban quản lý rừng phòng hộ, 69 doanh nghiệp có chức năng quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, khoanh nuôi bảo vệ rừng và một phần giao cho UBND cấp huyện, cấp xã quản lý. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến hết năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 10.000 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng.

Bảo vệ rừng hiện vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Lắk lần này, các đại biểu cho rằng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương còn nhiều hạn chế. Theo Ông Y Si Thắt Ksơ, đại biểu huyện Buôn Đôn, vấn đề quản lý rừng hiện nay có chỉ còn trên giấy.

Ông Y Si Thắt Ksơ cho biết: “Hiện nay nói rừng nhưng rừng chỉ ở trong tủ thôi. Đi thực tế rừng không còn mà đất cũng mất. Điều này gây khó khăn trong vấn đề quản lý nhà nước. Theo tôi hiện nay quản lý nhà nước như là quản lý vô hình. Nên trách nhiệm quy định hướng dẫn chủ tịch các huyện, chủ tịch các xã chịu trách nhiệm nếu tình hình sắp tới chúng ta giao rừng cho các xã chắc chắn là xã không nhận do vậy chúng ta phải làm rõ ràng cụ thể chi tiết trách nhiệm trong vấn đề này”.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đak Lak cho rằng, rừng và đất rừng là tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với tình trạng chuyển đổi rừng nghèo sang thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp không hiệu quả, đặc biệt là trồng cây cao su, việc tận thu gỗ diễn ra nhiều năm nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ đang dẫn gây ra nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Ở Đak Lak nếu diện tích rừng càng thu hẹp chừng nào thì chúng ta đối mặt với nguy cơ chừng nấy. Chúng ta có thể nói rừng cà phê xanh mướt, rừng cao su bạt ngàn nhưng đó chỉ nói lên sức lao động của chúng ta để chúng ta phát triển kinh tế xã hội nhưng nếu như rừng tự nhiên càng thu hẹp chừng nào chúng ta càng đối mặt với nguy cơ về môi trường chừng nấy. Và hiện nay do phát triển kinh tế xã hội và do hệ quả quản lý rừng trong những năm qua chưa tốt và chỉ ra được nguyên nhân và có biên pháp khắc phục như thế nào cho tốt để đảm bảo màu xanh của Tây Nguyên của Đak Lak là rừng tự nhiên và cuộc sống của nhân dân cũng được hưởng lợi từ việc gìn giữ và bảo vệ môi trường này”.

Cùng với tình trạng buông lỏng quản lý, cơ chế chính sách chưa phù hợp, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe cũng  đang tạo kẽ hở cho các chủ rừng vi phạm. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thượng Hải, huyện Cư Mgar kiến nghị: để giữ rừng thì cần kiên quyết xử lý nghiêm các chủ rừng nếu để xảy ra tình trạng mất rừng.

Đại biểu Nguyễn Thượng Hải cho biết: “Đề nghị hội đồng cũng như ủy ban phải kiên quyết xử lý đối với những chủ rừng, chủ rừng ở đây trước hết là các công ty lâm nghiệp được giao rừng, thứ 2 là các doanh nghiệp được ủy ban nhân dân tỉnh giao rừng, thứ 3 là các tổ chức. Do đó phải kiên quyết xử lý các chủ rừng nếu để xảy ra mất rừng. Nếu rừng đó được giao cho huyện, cho xã rồi thì phải xử lý huyện thậm chí cần thiết thì khởi tốt một số vụ án để chúng ta làm gương. Tôi cho việc này là quan trọng nhất”.

Nguồn: