Từ sau ngày nước nhà thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chiến lược phân bố lại các vùng dân cư để phát triển hài hòa, cân đối, bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong đó có sự dịch chuyển một số lượng lớn cư dân từ nhiều tỉnh, thành phố lên miền đất bazan Tây Nguyên. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình di dân theo kế hoạch, dòng chảy dân di cư tự do cũng ào ạt tràn về vùng đất tốt tươi này. Với các cuộc di dân tự phát, mặt tích cực là đã góp phần tăng thêm nguồn lực phát triển, nhưng do sự tiếp nhận thụ động và thiếu phương án giải quyết căn cơ, cho nên kéo theo nhiều hệ lụy mà các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên không thể xử lý một sớm một chiều…
Bài 1: Điểm nóng dân di cư tự do
Hàng nghìn người dân các tỉnh phía bắc bỏ lại bản làng cố hương, gửi lại những ký ức đói nghèo để mang theo khát vọng đổi đời đến với Tây Nguyên bằng con đường di cư tự do. Nhưng họ vốn là những hộ gia đình kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp, thiếu một sự chuẩn bị cho tương lai ở đất mới xa lạ. Trên vùng đất mới hiện không ít người dân thuộc đối tượng này lại tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn, đang rất cần sự ra tay trợ giúp của chính quyền…
Tìm miền đất hứa
Theo giới thiệu của ngành chức năng huyện Ea Súp (Đác Lắc), chúng tôi tìm đến các tiểu khu 265, 271, nằm trên địa bàn xã Cư M’lan. Hai tiểu khu cách trung tâm xã khoảng 30 km, nhưng đi xe ôm phải mất hơn hai tiếng, do nhiều đoạn phải băng rừng theo đường mòn lầy lội. Trước mặt là những túp lều tạm bợ, nhếch nhác cạnh một cánh rừng bị phá tan hoang. Tại tiểu khu 265 có khoảng hơn 100 túp lều dựng tạm trên những vạt rừng chỉ còn trơ gốc cây. Chúng tôi ghé vào một túp lều nằm ở triền dốc, gặp đôi vợ chồng trẻ vừa đi rừng về. Người chồng là Sùng Dao Cán, dân tộc Dao, quê Cao Bằng, di cư vào đây được vài năm. Vợ chồng anh chặt cây dựng lều để ở và phát rừng, lấy đất trồng sắn. Chúng tôi hỏi: Rẫy sắn ở đâu? Anh Cán chỉ tay lên ngọn đồi phía trước.“Biết phá rừng là sai, nhưng để có đất sản xuất, tôi và nhiều người khác đã phá một ít rừng để trồng ngô, sắn mưu sinh”, Cán nói. Theo lời anh Cán, cuộc sống của người dân ở đây khốn khó tột cùng. Tất cả họ đều là dân di cư tự do (DCTD), không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, nghèo đói, thiếu thốn đủ bề, không điện, nước thì lấy từ suối về dùng, không trường học, trạm y tế và đường đi lại. Ghé thăm nhiều nhà, bên trong không một vật dụng gì đáng giá, hộ khá hơn thì còn trữ được vài bao ngô, lúa rẫy để phòng khi giáp hạt. Cuộc mưu sinh gian nan của Sùng Dao Cán và những người đồng hương trên vùng đất mới cũng là số phận chung của hàng nghìn hộ dân DCTD. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ tính từ năm 2005 đến 2017, tổng số dân DCTD đến địa bàn khoảng 25.732 hộ, với 91.703 khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 7.243 hộ, với 21.708 khẩu; tỉnh Gia Lai 6.250 hộ, với 23.624 khẩu; tỉnh Đác Nông 5.391 hộ, với 8.038 khẩu; tỉnh Lâm Đồng 3.862 hộ, với 14.639 khẩu và tỉnh Đác Lắc 2.986 hộ, với 8.038 khẩu. Kết quả rà soát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) mới đây cho thấy, trên địa bàn Tây Nguyên hiện còn 11.642 hộ dân DCTD đang sinh sống phân tán, chưa được bố trí, sắp xếp ổn định vào các vùng dự án. Trong đó, nhiều hộ sống ở bìa rừng và vùng lõi của rừng phòng hộ, đặc dụng; tình trạng đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng lấy đất sản xuất thường xuyên xảy ra. Đời sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, phần lớn chưa có hộ khẩu cho nên chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội; thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước và điện sinh hoạt, nơi ở tạm bợ, không ổn định, chưa có việc làm; tỷ lệ đói nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về trật tự, trị an…
Tây Nguyên có năm tỉnh thì tất cả đều là điểm nóng về DCTD. Khi làm việc với các ngành chức năng các tỉnh, phóng viên ghi nhận những số liệu mà qua đó, nói lên rất rõ về sự nan giải của vấn đề này. Mở rộng thống kê từ ngày thống nhất đất nước đến nay thì lượng dân DCTD đến Tây Nguyên quả không hề nhỏ. Tỉnh Đác Nông cho biết, 38.191 hộ, với 173.973 khẩu đã đến địa phương bằng con đường DCTD kể từ năm 1976; trong đó, đã ổn định đời sống 26.680 hộ, với 122.220 khẩu; chưa được bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống là 11.511 hộ, với 51.753 khẩu. Cũng trong thời gian đó, 59.616 hộ với 290.241 khẩu từ khắp cả nước DCTD đến Đác Lắc. Còn ở tỉnh Kon Tum, DCTD chủ yếu là đi theo anh em, họ hàng đi kinh tế mới trước đây, sống xen ghép trong các thôn, buôn. Theo số liệu do Sở NN-PTNT Kon Tum cung cấp: Từ năm 2005 đến 2016, số lượng dân DCTD đến tỉnh là 7.243 hộ với 21.708 khẩu. Các tỉnh như Gia Lai, Lâm Đồng từ lâu cũng trở thành “miền đất hứa” cho DCTD.
Thâm nhập vài “điểm nóng”
Đồng chí Huỳnh Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết, xã Sa Nhơn có 219 trong số 951 hộ là dân DCTD. Số dân này từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định gặp khó khăn về kinh tế, thiếu đất sản xuất cho nên đưa nhau lên đây làm ăn. Ban đầu, họ chỉ làm thuê cạo mủ cao-su, thu hái cà-phê…, sau đó, thấy ở đây có điều kiện làm ăn dễ hơn quê nhà cho nên đưa gia đình lên tính kế lâu dài.
Chúng tôi đến thôn 14, xã Cư K’Bang, một trong những điểm nóng về dân DCTD của huyện Ea Súp (Đác Lắc) vào giờ giữa trưa. Người lớn trong thôn đều đi làm thuê, chỉ có lũ trẻ ở nhà. Đến gần cuối thôn, thấy ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, trống hoác, chúng tôi ghé thăm và được gặp ông Ngô Văn Vàng đang chuẩn bị bữa trưa. Ông Vàng cho biết, gia đình mới chuyển từ xã Cư Pui, huyện Krông Bông sang đây được ba tháng. Cả nhà có sáu người, di cư từ Cao Bằng vào huyện Krông Bông được 10 năm, nhưng không đủ đất sản xuất, đi làm thuê không đủ ăn cho nên phải tiếp tục tìm cơ hội mới. Anh Lầu Văn Dứng ở cùng thôn, đi làm thuê về ghé vào kể chuyện: Từ quê nhà ở huyện Ba Bể (Bắc Cạn), do cuộc sống khó khăn, một lần anh theo người quen vào huyện M’Đrắc (Đác Lắc) làm thuê, rồi sau đó trở về đưa cả gia đình vào ở nhờ nhà người quen. Vào rừng phát dọn được một khoảnh đất dựng nhà, ở được ba năm bị giải tỏa, cho nên Dứng đưa gia đình sang đây sinh sống. Anh dựng tạm túp lều ven rừng rồi đi làm thuê nuôi vợ con, chứ không có tiền mua đất. Anh Dứng hy vọng sau này, xã sẽ di dời vào vùng dự án để ổn định cuộc sống lâu dài. Trên con đường gồ ghề từ thôn 14 vòng ra trung tâm xã Cư K’Bang, bên những cánh rừng tự nhiên hình thành nên các khu dân cư tự phát. Vì vậy, nhiều diện tích rừng ở đây bị đẩy lùi, thay bằng những rẫy hoa màu. Chủ tịch UBND xã Cư K’Bang Đàm Văn Hà cho biết, xã được thành lập năm 1998, lúc đầu chỉ có 400 hộ, với khoảng 1.800 nhân khẩu; đến nay đã tăng lên 2.150 hộ, với 11.200 nhân khẩu, chủ yếu là dân DCTD từ các tỉnh miền núi phía bắc.
Phóng viên ghi nhận, Tuy Đức là huyện điểm nóng nhất về dân DCTD trên địa bàn tỉnh Đác Nông. Từ năm 2005 đến 2017, số dân DCTD đến sinh sống trên địa bàn huyện là 2.384 hộ, với 9.344 nhân khẩu. Tình trạng dân DCTD vượt tầm kiểm soát đã ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự trên địa bàn. Nhiều năm nay, ở Tuy Đức đã xuất hiện các băng nhóm tội phạm, chiếm đất và phá rừng, sau đó bán cho người từ nơi khác đến. Công an đã khởi tố 47 vụ, bắt và xử lý 148 đối tượng liên quan đến các vụ phá rừng, bảo kê thu tiền, cướp đoạt đất đai và xử lý trên 5.000 ha đất rừng bị phá trái phép. Mâu thuẫn tranh chấp đất giữa người dân và các doanh nghiệp được thuê đất ngày càng sâu sắc…
Trong hành trình di dân vượt hàng nghìn cây số, nhiều giấy tờ tùy thân của người di cư bị mất, còn lại vỏn vẹn cái tên từ thuở khai sinh. Họ trở thành những con người bơ vơ giữa đại ngàn. Nhiều nơi, người dân lập làng tự phát, nhưng chưa được đăng ký hộ khẩu, chưa có hình thức tổ chức thôn, buôn được chính quyền công nhận. Chính vì vậy mà ở huyện Kông Chro (Gia Lai), tổng diện tích đất những hộ dân tộc Dao sống thành cụm tập trung mua (chủ yếu sang tay) để làm rẫy là hơn 150 ha. Vậy mà hơn ba năm sinh sống tại đây, dù đã làm vườn, xây nhà, nhưng họ vẫn chưa thể xác định được tương lai của mình bởi việc nhập cư còn nhiều vướng mắc. Nhiều lần, huyện kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nhằm quy hoạch, bố trí những hộ dân di cư ổn định cuộc sống; tuy nhiên, cũng chỉ nhập hộ khẩu gần 10 hộ đủ điều kiện; hàng chục hộ còn lại chỉ được cấp giấy tạm trú. Chánh Văn phòng UBND huyện Kông Chro Trần Biểu trao đổi: “Đây là vấn đề nan giải. Về nguyên tắc, huyện không có thẩm quyền nhận hay không nhận những hộ dân này, mà phải chờ quyết định chính thức của tỉnh mới có thể giải quyết triệt để. Trước mắt, huyện linh động tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt, học tập và chữa bệnh…”.
Muốn thâm nhập vùng dân DCTD tại tiểu khu 179 (xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) nằm cách trung tâm xã khoảng 70 km, chúng tôi phải theo quốc lộ 27, rồi vòng qua vùng giáp ranh với hai tỉnh Đác Lắc, Đác Nông, sau đó mới cắt rừng đến nơi. Người dẫn đường cho biết, cách đây vài năm, dọc hai bên tuyến đường này là những cánh rừng ngút ngàn, nhưng giờ đã bị tàn phá. Tiểu khu 179 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Sê-rê-pốk. Cách đây gần 20 năm, một số hộ đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh phía bắc bắt đầu DCTD vào khu vực này. Sau đó, tỉnh Lâm Đồng tổ chức di dời họ về định cư tại thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông. Nhưng sau một thời gian, một số hộ lại trở về nơi cũ, tiếp tục phá rừng làm rẫy. Đến nay, đã lên tới gần trăm hộ, hơn 550 nhân khẩu. Vòng quanh “bản” mới của người Mông, ngoài những hộ dân đã vào từ những năm đầu thành lập huyện Đam Rông, có đất sản xuất, nhà cửa khá ổn định, còn rất nhiều hộ mới đặt chân lên “vùng đất hứa”, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hỏi về chuyện học hành của trẻ, ông Ma Seo Cháng, một chủ hộ nói: “Chưa có trường tiểu học, chỉ có vài giáo viên tăng cường từ ngoài xã vào dạy chữ cho con em đồng bào. Cán bộ y tế thôn, bản cũng chưa có, ốm đau bệnh tật, người dân phải cắt rừng ra trung tâm xã, hoặc phải sang huyện lân cận của tỉnh Đác Nông mới có trạm y tế, bệnh viện”.
Ở Đam Rông, còn rất nhiều điểm nóng về DCTD như vậy. Đây cũng là thực trạng chung về cuộc sống của hàng nghìn hộ đồng bào từ nhiều miền Tổ quốc đến vùng đất Tây Nguyên bằng con đường di cư ngoài kế hoạch.
(Còn nữa)
Bà con dân tộc thiểu số nói chung và DCTD là những người yếu thế, số đông là nghèo đói, khó khăn, dân trí thấp, do vậy, người ta phải rời quê hương bản quán để tìm cơ hội mưu sinh. Nếu chúng ta không quan tâm, giúp đỡ thì bà con tiếp tục khó khăn. Chúng ta đã quan tâm rồi thì tiếp tục quan tâm hơn nữa, để giúp đỡ bà con trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là việc học hành, công tác chăm sóc y tế…
Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc |