Giám đốc Chương trình Việt Nam của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Hoàng Bích Thủy vừa đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 cần có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan thực thi pháp luật tổ chức truy quét các đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.
Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, cần thường xuyên truy quét và kiểm tra, kiểm soát các điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã. Đặc biệt, việc điều tra, bắt giữ, truy tố và xét xử nhắm vào các đối tượng là chủ buôn sẽ tạo ra hiệu quả lớn trong triệt phá các đường dây này.
Trong buổi làm việc mới đây với Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi săn bắn, khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Kết quả bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu các sản phẩm của các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có tính chất nghiêm trọng phức tạp liên quan đến nhiều địa bàn trong và ngoài nước, góp phần kiềm chế được các hoạt động vi phạm.
Việt Nam là thành viên của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994 và cũng là thành viên của mạng lưới thực thi pháp luật về động vật hoang dã của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á từ năm 2005. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đa tham gia ký kết rất nhiều các Công ước và Hiệp định quốc tế đa phương và song phương liên quan đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và đấu tranh phòng chống tội phạm quyên quốc gia.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, một số địa phương trở thành điểm nóng về buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi. Các địa bàn này nằm trong đường dây buôn bán trái phép ngà voi và sừng tê giác từ các nước châu Phi trung chuyển qua các nước khu vực châu Á. Riêng năm 2016, toàn ngành Hải quan đã phát hiện và bắt giữ gần 30 vụ vận chuyển ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi với tổng số lượng gần năm tấn, cùng hàng tấn tê tê, vảy tê tê, rùa, chân tay gấu, sừng tê giác… được nhập lậu về tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc trung chuyển sang nước thứ ba.
Từ năm 2010 đến năm 2016, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 174 nghìn vụ vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, số vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã là 4.305 vụ, tịch thu hàng nghìn kg sản phẩm động vật hoang dã và hơn 60 nghìn cá thể động vật hoang dã các loại, trong đó 3.418 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm.
Để chống lại những hành vi ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng tội phạm này, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo tồn động vật hoang dã thông qua các chương trình giáo dục bảo tồn; xử lý nghiêm khắc các đối tượng phạm tội và nâng cao nhận thức các cơ quan pháp luật các cấp nhằm tăng cường xử lý các vi phạm và tội phạm về động vât hoang dã.
Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức bảo tồn cho các cộng đồng địa phương; xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về giảm dần tiêu thụ những sản phẩm có nguồn gốc và liên quan tới các loài động vật hoang dã nhằm bảo vệ hiệu quả các loài quý hiếm này.