Suy giảm trầm tích sông Mê Kông nhanh và nhiều hơn dự kiến

Sự vận chuyển và lắng đọng trầm tích trên sông Mê Kông đã thay đổi đáng kể do phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác lòng sông, thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu.

Đó là kết luận từ “Nghiên cứu trường hợp trầm tích ở lưu vực sông Mê Công: Hiện trạng và xu hướng tương lai” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) cùng Viện Môi trường Stockholm (SEI) xuất bản mới đây.

Theo đó, sự phát triển cơ sở hạ tầng trên dòng chính và các chi lưu, khai thác lòng sông, thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu là những yếu tố chính dẫn đến sự giảm tải trầm tích sông Mê Kông. Mức độ giảm tải trầm tích được xem là nhanh hơn và lớn hơn so với ước tính trong các nghiên cứu trước đó.

“Các tác động tiềm ẩn về môi trường và kinh tế xã hội của việc thay đổi về dòng chảy trầm tích ở sông Mê Công có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái thủy sinh, nông nghiệp, thủy sản và các loài động vật hoang dã trên sông Mê Kông, đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế và kinh tế của hàng triệu người trên lưu vực và thậm chí vượt ra ngoài lưu vực sông Mê Kông”- Tiến sĩ Thanapon Piman, nhà nghiên cứu của SEI, đồng thời là tác giả chính của báo cáo nhận định.

Nguồn: bangkok.unesco.org

Nguồn trầm tích đặc biệt quan trọng đang suy giảm

Sông Mê Kông chứa nhiều trầm tích và chất dinh dưỡng trên toàn bộ chiều dài của nó, từ thượng nguồn phía Trung Quốc đến Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Những trầm tích này rất quan trọng cho sự hình thành và ổn định của đồng bằng và các hệ sinh thái mà chúng hỗ trợ.

Các trầm tích và các chất hữu cơ đi kèm là nguồn dinh dưỡng vô cùng thiết yếu cho cá, thực vật, và đất đai trên khắp lưu vực sông Mê Công. Lâu nay dòng sông đã bồi đắp và mang lại phù sa cho toàn bộ lưu vực, đồng thời cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho nông nghiệp, thủy sản, cây trồng và động vật dưới nước, và qua đó hỗ trợ nền kinh tế toàn lưu vực.

Tuy nhiên, dựa trên việc so sánh với các nghiên cứu trước đây và dữ liệu thu thập được, nghiên cứu của SEI đã nhận diện những thay đổi đáng kể về sự vận chuyển và lắng đọng trầm tích trên sông Mê Kông, chủ yếu là do các hồ chứa lớn và hoạt động khai thác lòng sông.

Bên cạnh đó, thay đổi sử dụng đất và các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng hiện nay và gia tăng sự bất ổn trong vận chuyển trầm tích. Nếu tất cả các đập đề xuất được được xây dựng trên hạ lưu, bao gồm cả 11 đập dòng chính, tải lượng trầm tích xuống hạ lưu có thể bị chặn đến 94%.

Theo nghiên cứu, việc giảm phân bố trầm tích xuống các vùng hạ lưu sẽ ảnh hưởng với sự ổn định của ĐBSC và sẽ dẫn đến việc mất các chất dinh dưỡng quan trọng cho nghề cá của lưu vực. Trầm tích suy giảm cũng dẫn đến sự suy thoái đất đai vốn rất mầu mỡ ở vùng ngập nước trên lưu vực, đặc biệt là khu vực Biển Hồ của Campuchia và ĐBSCL. Điều này tác động đến các nhóm nông dân nghèo ở toàn lưu vực, những người mà sinh kế vốn phụ thuộc vào dòng sông.

Trong khi đó, nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng thiếu các hướng dẫn và tiêu chuẩn có tính chất ràng buộc của khu vực. Điều này khiến các quốc gia không thực hiện được các biện pháp tốt nhất để giám sát hiệu quả và quản lý trầm tích ở từng giai đoạn của các dự án phát triển thủy điện cũng như khai thác lòng sông.

Khuyến cáo bảo vệ nguồn trầm tích

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đưa ra một loạt các khuyến nghị nhằm bảo vệ nguồn trầm tích cũng như giảm nhẹ tác động tới nguồn trầm tích trên lưu vực.

Trước tiên, nghiên cứu cho rằng cần tiếp tục cải tiến và tăng cường hệ thống giám sát trầm tích ở cấp quốc gia và khu vực, bao gồm các chi lưu lớn của sông Mê Kông và các vị trí chiến lược như Biển Hồ, cũng như các điểm nóng về môi trường, đặc biệt là khu vực ngập lũ và vùng đồng bằng.

Thứ hai, cần thiết lập các dữ liệu nền về trầm tích để đánh giá các thay đổi và tác động thực tế của trầm tích do phát triển, thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu; đồng thời xác định mục tiêu cho các biện pháp quản lý trầm tích và các biện pháp giảm nhẹ tác động, đặc biệt đối với các dự án khai thác thuỷ điện lớn và khai thác lòng sông.

Thứ ba, các tác giả cho rằng cần xây dựng các tiêu chuẩn khu vực và các biện pháp bảo vệ trầm tích xuyên biên giới, cũng như các cơ chế để thực thi nhằm đảm bảo rằng chúng được lồng ghép vào các chính sách, chiến lược và kế hoạch quốc gia.

Thứ tư, cần triển khai các thực hành tốt về quản lý trầm tích và các biện pháp giảm nhẹ tác động, theo đó vấn đề trầm tích ở cấp quốc gia và khu vực sẽ được tích hợp ở mọi giai đoạn của dự án thủy điện từ quy hoạch đến phát triển và vận hành.

Cuối cùng, nghiên cứu nhận định, cần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn để quản lý trầm tích bền vững, chia sẻ dữ liệu và tham gia các nghiên cứu thông qua các cơ chế hiện có như Ủy hội Sông Mê Kông và Cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mê Kông với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng nghiên cứu.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đóng góp vào nghiên cứu so sánh toàn cầu về trầm tích trong các lưu vực sông lớn, theo Sáng kiến ​​Trầm tích Quốc tế (ISI) thuộc Chương trình Thủy văn Quốc tế của UNESCO (IHP).

Bạch Dương