Dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô nhưng mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và sông Đáy liên tục bị hạ thấp; gia tăng nguy cơ hàng trăm nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp của 12 tỉnh Đồng bằng sông Hồng bị hạn hán, xâm nhập mặn. Tìm giải pháp bền vững để ứng phó với tình trạng này đang là đòi hỏi cấp thiết.
Nguy cơ khô hạn
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, sau khi các hồ thủy điện ngừng xả lũ, tiếp tục chu trình tích nước để phát điện vào mùa khô, mực nước các sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thuộc vùng hạ lưu các nhà máy thủy điện liên tục hạ thấp. So với trung bình nhiều năm, trên sông Lô (tại trạm đo Tuyên Quang) giảm 21cm; trên sông Hồng (tại Hà Nội) giảm 87cm; trên sông Thái Bình (tại Phả Lại) giảm 58cm; trên sông Đáy (tại Bến Đế) giảm 20cm… Thực đo ngày 12-11, mực nước trên sông Hồng tại Trạm thủy văn Sơn Tây là 4,51m; tại Long Biên là 1,84m, tại An Cảnh là 1,58m…
Theo Tiến sĩ Lê Viết Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch Bắc Bộ, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT), từ năm 2001 đến nay, mực nước sông Hồng liên tục giảm vào mùa kiệt, bình quân trong tháng 1, 2, 3 tại Hà Nội giảm 0,9m so với giai đoạn 1957-2000… Nhiều nguyên nhân dẫn đến mực nước các sông hạ thấp vào mùa kiệt như: Biến đổi khí hậu khiến thời gian và lượng mưa không theo quy luật, suy giảm; tình trạng khai thác cát tràn lan làm thấp đáy sông; thượng nguồn xây dựng nhiều hồ chứa thủy điện, làm giảm lượng phù sa, gây xói lòng sông phía hạ du…
Mực nước sông Hồng hạ thấp đã ảnh hưởng 6 phân lưu là các sông: Đáy, Đuống, Luộc, Trà Lý, Đào và sông Ninh Cơ. Do thiếu hụt nguồn cung nên 62 công trình lấy nước lớn bố trí dọc các triền sông vừa nêu bị “treo” hoặc giảm công suất…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Vĩnh Liên cho biết: TP Hà Nội có 13 công trình thủy lợi bố trí dọc 3 sông lớn: Hồng, Đà, Đáy, với 116 máy bơm, công suất từ 1.000 đến 10.080m3/giờ, phục vụ cấp nước cho khoảng 66.000ha sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm nay vào mùa kiệt, 8 trạm bơm tưới: Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa, Thanh Điềm, Ấp Bắc, Hồng Vân, Cao Bộ, Cao Xuân Dương và cống Liên Mạc không thể hoạt động nếu hồ thủy điện Hòa Bình không mở cửa xả bổ sung nguồn nước cho sông Hồng, sông Đáy. Điển hình như Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), do trước đây ống hút thiết kế ở cao trình 5,25m trong khi mực nước sông Hồng vụ xuân năm 2017 chỉ đạt trung bình ở mức 3,38m.
Ngoài việc làm “treo” các cống, trạm bơm, gây nguy cơ hạn hán khoảng 233.400ha đất sản xuất nông nghiệp của 12 tỉnh Đồng bằng sông Hồng, mực nước sông xuống thấp còn gây khó khăn cho giao thông đường thủy, gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình…
Chưa có giải pháp căn cơ
Ứng phó tình trạng trên, nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng vẫn thường chọn giải pháp đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện; đồng thời, chỉ đạo lắp đặt hệ thống trạm bơm dã chiến để tạo nguồn cấp nước tưới… Thực tế từ năm 2008 đến nay, năm nào các hồ thủy điện cũng phải mở cửa xả để bổ sung nước cho hạ du, với tổng lượng xả từ 3 đến 5 tỷ mét khối.
Tuy nhiên, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng giải pháp này không bền vững. Theo ông, ngành Thủy lợi cần tính đến phương án xây dựng hệ thống đập dâng ở hạ du để vừa giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm nguồn nước phục vụ sản xuất điện trong mùa khô…
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) đánh giá, nhiều công trình thủy lợi, hệ thống trạm bơm, hệ thống đập của 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng xây dựng từ nhiều năm trước, hiện nay thiết kế không còn phù hợp với hiện trạng mực nước trên sông Hồng. Do đó, ngành Nông nghiệp cần khẩn trương xây dựng mới hoặc cải tạo các trạm bơm dã chiến để hoạt động có hiệu quả trong cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp…
Với góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho rằng: Giải pháp của các chuyên gia đưa ra đều rất có giá trị, nhưng hiện nay nguồn lực để thực hiện là rất khó, ngay cả với TP Hà Nội. Vì vậy trong các quy hoạch thủy lợi điều chỉnh phải tính đến giải pháp cân bằng nguồn nước đến, nước dùng; chú ý giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ tưới hiện đại, nâng cao năng lực chứa của các hồ thủy lợi nội đồng…
Có thể nói, ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước các sông trong mùa kiệt đối với khu vực đồng bằng sông Hồng đang là vấn đề lớn, cần được các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và cả người dân tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến, phản biện nhằm tìm được những giải pháp bền vững.