UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP đề nghị thông qua Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Theo đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng ở khu vực này đô thị Hòa Lạc với 600.000 dân.
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp quy hoạch bao gồm toàn bộ phần đất nằm trong ranh giới nghiên cứu đô thị Hòa Lạc được xác định theo Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 14/4/2015.
Theo đó, đô thị Hòa Lạc có vị trí nằm về phía Tây và cách đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội khoảng 30km, thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Phía Bắc giáp trục Hồ Tây- Ba Vì (dự kiến); Phía Đông giáp đê hữu sông Tích; Phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình.
Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 17.274ha. Khu vực nghiên cứu đô thị Hòa Lạc thuộc địa giới hành chính của 10 xã của huyện Thạch Thất, 6 xã của huyện Quốc Oai và 1 xã của thị xã Sơn Tây.
Đô thị Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc bao gồm ranh giới tự nhiên của toàn thành phố Hà Nội
Dự báo dân số và lao động trong Quy hoạch 1259 và trong các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Theo đó, dân số đô thị Hòa Lạc đến năm 2030 khoảng 600.000 người.
Theo phương án dân số dự kiến, đến năm 2025 có khoảng 150.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 97.000 người, dân số ngoại thị khoảng 53.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 64%.
Đến năm 2050 dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 600.000 người, ừong đó dân số nội thị khoảng 508.000 người, dân số ngoại thị khoảng 92.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Theo định hướng Quy hoạch chung 1259, đô thị Hòa Lạc là một đô thị vệ tinh của Hà Nội, mang tính chất đô thị khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Các quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương cũng một phần dựa trên sự phát triển của của khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội. Đây là hai yếu tố quyết định cho sự hình thành và phát triển của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.
Khu vực phát triển đô thị được giới hạn bởi tuyến đường quy hoạch song song với đường tỉnh lộ 429 ở phía Bắc, ranh giới tiếp giáp sân bay Hòa Lạc ở phía Tây Bắc, ranh giới phía Đông của khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu công nghiệp Bắc Phú Cát ở phía Đông và đường Hồ Chí Minh phía Tây Nam.
Phân khu chức năng trong vùng nội thị gồm 4 khu vực chính được xác định theo từng chức năng chuyên biệt hình thành bởi mạng lưới đường giao thông.
Khu vực Đại học quốc gia Hà Nội diện tích khoảng 1140,42 ha; dân số: khoảng 63.000 người (trong đó có khoảng 60.000 sinh viên) gồm các trường đại học, THPT thuộc đại học quốc gia Hà Nội, trung tâm nghiên cứu khoa học, dân cư hiện có, khu tái định cư…
Khu vực khu công nghệ cao diện tích: khoảng 1346,99ha; Dân số: khoảng 100.000 người; gồm các trung tâm nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khu đô thị mới phục vụ nhu cầu của người lao động trong khu công nghệ cao, trung tâm công cộng, dịch vụ thương mại đô thị.
Khu vực đô thị diện tích: khoảng 3400,73 ha; Dân số: khoảng 242.000 người; gồm trung tâm đô thị, trung tâm y tế vùng, đất ở đô thị mới, đất ở sinh thái, công cộng đô thị, cây xanh, mặt nước, đất đơn vị ở, làng xóm đô thị hóa, lâm nghiệp kết hợp du lịch dã ngoại, đất do Bộ quốc phòng quản lý, đất đường giao thông đô thị…
Khu vực đô thị Phú Cát – Hòa Thạch diện tích: khoảng 970.2 ha; Dân số: khoảng 103.000 người; gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc (phần phía Nam Đại lộ Thăng Long, trước đây là khu công nghiệp Bắc Phú Cát), trung tâm y tế cấp vùng, khu đô thị mới phát triển mật độ cao phía Tây dọc quốc lộ 21 (hiện có), cây xanh, mặt nước…
Vùng vành đai xanh – Khu vực sân bay Hòa Lạc diện tích: khoảng 1.270,33ha; Dân số: khoảng 900 người; có chức năng: Sân bay Hòa Lạc, trước mắt tiếp tục sử dụng cho mục đích quốc phòng, tương lai cần có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và giải pháp sử dụng phù hợp để có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự, đáp ứng nhu cầu của đô thị. Cơ bản duy trì các cơ sở hiện có do Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng, việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất sẽ do Bộ Quốc phòng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khu vực này là vùng đệm xanh gắn với các khu du lịch như hồ Đồng Mô, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và Vườn quốc gia Ba Vì.
Khu vực nông diện tích: khoảng 4891,73ha; Dân số: khoảng 65.000 người; sẽ phát triển theo mô hình nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phục vụ cho đô thị. Tạo vùng đệm rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các loại hoa màu khác.
Khu vực còn lại diện tích: khoảng 3431,71ha; Dân số: khoảng 26.100 người; Tiếp tục duy trì và bảo vệ rừng trồng, rừng đầu nguồn, rừng Quốc gia, kết hợp các dự án du lịch sinh thái. Hạn chế phát triển nhà ở, chuyển đổi các dự án phát triển đô thị theo hướng thấp tầng, tránh tối đa can thiệp địa hình tự nhiên.