Đó là con số được công bố chính thức tại hội thảo khoa học “Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) – Giới thiệu kết quả nghiên cứu tác động của BĐKH tại ĐBSCL” do Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang, Bộ TN-MT, Quỹ hỗ trợ Chương trình Dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức vào ngày 28.11 tại TP Long Xuyên với sự tham dự của trên 20 nhà khoa học, đại biểu trong và ngoài nước.
Nghiên cứu này được thực hiện trong tháng 8 – 9.2017 tại ba địa phương: Huyện Chợ Mới (An Giang), huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và TP Trà Vinh (Trà Vinh).
Nghiên cứu cho thấy, gần 13% số hộ gia đình trong khu vực ĐBSCL bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai, mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp, 16,6% số hộ chịu thiệt hại về nhà cửa đất đai, chi phí để phục hồi, cải tạo lại đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bình quân là 19,16 triệu đồng/hộ/năm…
Thế nhưng, hơn 50% số hộ bị ảnh hưởng BĐKH chưa từng nghe, hoặc có nghe nhưng không có ý niệm gì về thuật ngữ “BĐKH” và hơn 32% hộ gia đình bị ảnh hưởng của BĐKH không quan tâm tới vấn đề BĐKH.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng quốc tế về BĐKH.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) nhấn mạnh: Chúng ta phải xác định tâm thế sống chung, thích nghi và biến thách thức thành cơ hội; chủ động sống chung với những tác động từ BĐKH như lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo cơ cấu linh động: Thuỷ sản – cây ăn quả – lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực.