Dự tính năm 2017, sản xuất lâm nghiệp tăng 6,6%, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản lên tới 7,8 tỷ USD. Việt Nam đã chính thức trở thành nước đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Nhân ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11), ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những chia sẻ về định hướng xung quanh câu chuyện phát triển của ngành lâm nghiệp trong thời gian gần đây.
Xin ông khái quát những thành tựu ngành lâm nghiệp đang phấn đấu để đạt được trong năm 2017?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Năm 2017 là năm khá sôi động của ngành lâm nghiệp. Theo ước tính của chúng tôi, giá trị sản xuất lâm nghiệp cả năm 2017 tăng 6,6%. Đặc biệt, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2017 theo tính toán sẽ tăng hơn 40% và sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung bình ước đạt 19 triệu m3. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản dự tính có thể đạt 7,8 tỷ USD. Giá trị này giúp chúng ta đã trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á.
Năm 2017, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã giảm 22% số vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và 69% diện tích rừng bị thiệt hại so với cùng kỳ năm 2016. Đến hết tháng 11/2017, cả nước đã trồng được trên 190 nghìn ha rừng tập trung, đạt 84,4 % kế hoạch năm và tương đương so với cùng kỳ năm 2016, trong đó trồng rừng sản xuất tăng 4% so với cùng kỳ.
Một trong những nguồn tài chính quan trọng góp phần thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng đó là dịch vụ môi trường rừng. Vậy năm nay dự tính Quỹ từ dịch vụ này thu về được bao nhiêu, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Đúng vậy, dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách, hàng năm thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng.
Đầu năm, chúng tôi ước năm 2017 sẽ thu khoảng 1.650 tỷ đồng trong điều kiện phải nỗ lực hết sức, nhưng đến thời điểm này chúng ta đã đạt được con số này, dự kiến cả năm nay nguồn thu này sẽ đạt 1.700 tỷ. Đây là con số rất ý nghĩa trong khi đầu tư vào lâm nghiệp còn hạn chế. Đây chính là nguồn kinh phí quý báu để tái đầu tư hỗ trợ người trồng rừng và bảo vệ rừng, từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn.
Việc này cũng đã được minh chứng bằng thực tiễn đến nay chỉ tiêu trồng rừng sản xuất gần như đã hoàn thành 100%. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ngành kinh tế lâm nghiệp, người trồng rừng cũng dần có cuộc sống ổn định hơn khi làm lâm nghiệp.
Luật Lâm nghiệp mới được thông qua đã mở ra cơ hội lớn với những người đầu tư vào sản xuất và chế biến gỗ nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung. Đứng tù góc độ là đơn vị quản lý đầu ngành về Lâm nghiệp, theo ông cần đưa Luật vào đời sống như thế nào để vẫn giữ vững được tinh thần bảo vệ và phát triển rừng?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Theo tôi nhìn nhận đến nay công tác bảo vệ quản lý rừng gần như tiệm cận với thực tiễn. Tuy nhiên muốn bảo vệ và phát triển được rừng không ai khác ngoài chính những người dân đang ngày đêm gắn bó với những cánh rừng trên quê hương mình. Luật Lâm nghiệp đã quy định rất rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các loại chủ rừng. Đồng thời Luật Lâm nghiệp đã có phân cấp, cấp huyện được quản lý và chuyển đổi rừng ở mức độ nhất định. Nhưng luật cũng quy định rõ chính quyền cấp nào để nguy hại đến rừng, mất rừng thì chủ tịch cấp đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Người dân còn khó khăn thì còn có những vụ phá rừng. Phải lấy rừng nuôi rừng chứ không thể cứ trông chờ mãi vào nguồn ngân sách hay các khoản đầu tư khác ngoài rừng để giúp người trồng rừng đảm bảo kinh tế. Tôi nói “lấy rừng nuôi rừng” không chỉ ở việc thu hoạch giá trị từ trồng rừng và các lâm sản phụ mà còn có cả những dịch vụ từ rừng. Chúng tôi đang nỗ lực cao nhất để người làm lâm nghiệp thu được hiệu quả kinh tế cao hơn nữa từ 3 triệu ha rừng trồng hiện nay.
Xin ông chia sẻ thêm về những hoạt động hướng dẫn việc thi hành Luật lâm nghiệp tới đây để Luật sớm đi vào cuộc sống?
Ông Nguyễn Quốc Trị: Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cụ thể đã dự thảo 3 nghị định dưới đây trình theo Hồ sơ Luật Lâm nghiệp, gồm: Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định về Kiểm lâm (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế, chính sách đối với Kiểm lâm); Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Dự kiến các nghị định này sẽ được hoàn thành trong Quý IV năm 2018.