Đồng bằng sông Cửu Long: Để không đánh đổi môi trường trong thu hút FDI

Thời gian qua, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn, việc tự do kêu gọi đầu tư của từng địa phương đặt ra nhiều hệ lụy, nhất là về môi trường. Đã đến lúc cần phải đánh giá một cách toàn diện những gì đã làm được và cần hoàn thiện khâu nào để gia tăng dòng vốn FDI.

Dễ dãi trong thu hút đầu tư

Chủ trương phân cấp toàn diện cho địa phương cấp phép và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài được áp dụng từ năm 2006, góp phần tăng nguồn vốn FDI vào các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL từ vài trăm triệu lên hàng tỷ USD/năm. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, tính đến thời điểm này, toàn vùng thu hút hơn 1.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 20 tỷ USD.

Vốn FDI đổ vào giúp các địa phương đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, xóa dần cơ chế xin-cho, phát huy được năng lực, tính chủ động, trách nhiệm của địa phương; giảm thiểu các chi phí liên quan đến việc hình thành dự án cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư… Tuy nhiên, sự dễ dãi để cạnh tranh thu hút vốn FDI với nhiều ưu đãi, thậm chí vượt khung, cũng như thiếu năng lực trong thẩm định cấp phép, thiếu cơ chế kiểm soát khiến nhiều dự án FDI bộc lộ những bất cập, trong đó đáng tiếc nhất là gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy giấy Lee & Man ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (Ảnh: Thúy An)

Dự án Nhà máy giấy Lee & Man ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là một ví dụ. Hiện tại, dân cư sống quanh khu vực này đang lo ngại sự ảnh hưởng từ nguồn nước, chất thải ra môi trường của nhà máy. Bởi đây là dự án chuyên sản xuất, gia công các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8ha. Trong đó, khoảng 41ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy. Để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút (NaOH) làm chất tẩy. Vì vậy, nếu lượng xút này đổ ra sông Hậu và chảy ra biển sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản cũng như việc nuôi trồng cho toàn khu vực.

Theo PGS, TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, qua nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 15% là sử dụng công nghệ thấp. Hiện có đến 80% khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường; 70% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn, 23% trong số đó xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép 5-12 lần. Ở ĐBSCL có 75% khu và 85% cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

“Cuộc chạy đua thu hút FDI diễn ra ngày càng khốc liệt giữa các địa phương, trong khi trình độ quản ký doanh nghiệp, quản lý đầu tư, nhất là đầu tư có yếu tố nước ngoài hay về chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ… đặc biệt là đối với các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp… địa phương không đủ trình độ để thẩm định, vì thế rất khó trong kiểm soát dự án đầu tư”, PGS, TS Nguyễn Hiếu Trung nhấn mạnh.

Tỉnh táo trước “cơn say” FDI

Liên quan đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường của khu vực FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng thừa nhận, quy định về môi trường của Việt Nam áp dụng chuẩn của các nước phát triển, song việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung nhiều vào khâu tiền kiểm mà chưa chú ý hậu kiểm. Vì thế, các địa phương cần phải kiểm soát chặt các dự án FDI ngay từ khi thẩm định, cấp phép và phải giám sát chặt trong quá trình triển khai dự án.

Thay đổi định hướng thu hút FDI cũng là phương án cứu lấy môi trường trước sự hủy hoại tàn khốc nhất. Theo Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: “Chúng ta có quyền đòi hỏi chất lượng vốn FDI cao hơn. Muốn thế, sự lựa chọn nguồn vốn FDI cũng phải khôn ngoan hơn bởi doanh nghiệp nội đang ngày càng phát triển, đủ sức gánh vác những công việc trước đây chỉ có thể dựa vào khu vực đầu tư nước ngoài và cuối cùng là không đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Bãi thải tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Trà Vinh (Ảnh: Thúy An).

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng: “Bắt buộc phải thay đổi cách chạy theo tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) bằng một hệ thống tiêu chí dùng chỉ tiêu GNI (tổng sản phẩm quốc dân) có tiêu chí xã hội môi trường để tăng trưởng bền vững. Cụ thể, GNI = GDP + lợi nhuận từ nước ngoài chuyển về – lợi nhuận FDI chuyển về nước họ. Có như thế thì yếu tố môi trường mới được bảo đảm”.

Bên cạnh các giải pháp trên, vấn đề cấp thiết lúc này là sàng lọc lại các dự án FDI và siết chặt tất cả các khâu cấp phép dự án, giám sát. Việc “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư là cần thiết, song phải chú ý vấn đề chuyển giao công nghệ quá trình thu hút đầu tư, trong đó cần tránh tình trạng địa phương này cạnh tranh địa phương khác, đưa ra nhiều nhượng bộ để phá vỡ kế hoạch đầu tư. Đồng thời phải tuân thủ đúng chủ trương, chính sách về thu hút đầu tư, có chế tài và khung rõ ràng, chấm dứt ưu đãi tài nguyên quá mức.

Nguồn: