Hội nghị lần thứ 23 của các bên tham gia Công ước Khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP23) mặc dù đã có một vài tiến triển nhưng không đạt được các mục tiêu quan trọng.
Thiếu sự sẵn sàng
Một trong các vấn đề gây tranh cãi nhất tại COP23 là về tài chính.
Cụ thể, trong số 100 tỉ USD được hứa hẹn mỗi năm cho quỹ tài chính khí hậu để hỗ trợ các nước đang phát triển đến 2020 hiện mới có 10 tỉ USD được cam kết.
Trong khi đó, chưa đến 10% khoản tài chính vốn đã ít ỏi này đến được với các cộng đồng nghèo. Điều này tác động đến các nước như Ethiopia, nơi hạn hán đang ảnh hưởng trầm trọng đến sinh kế của người dân. Các quốc gia Đông Phi, với nhu cầu xấp xỉ 7,5 tỷ USD một năm để chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và thích nghi với biến đổi khí hậu, hiện mới chỉ nhận được từ 100 đến 200 triệu USD mỗi năm.
Là một phần của Hiệp định Paris, các nhà tài trợ phải đưa ra một ước tính tương lai về mức độ và loại tài chính được cam kết cho quỹ khí hậu, tuy nhiên hiện các nước phát triển vẫn tiếp tục trì hoãn thảo luận và đưa ra hành động về vấn đề này.
Ngoài ra, trong khi COP21, nơi Hiệp định Paris được đàm phán, đón tiếp 150 vị lãnh đạo quốc gia tham dự, thì tại COP23 này chỉ có mặt hơn 25 vị người đứng đầu các quốc gia.
Đáng lưu ý là chỉ có 1/3 trong số các yêu cầu để giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ Celsius vào năm 2030 so với thời tiền công nghiệp được cam kết thực thi.
Mặc dù các quốc gia đã đồng ý nghiên cứu cách thức để thu hẹp khoảng cách đó trong năm tới, song sự thờ ơ tại COP23 không hứa hẹn nhiều triển vọng cho các thảo luận về khí hậu trong năm sau.
Thiếu sự lãnh đạo
Tháng 8/2017, Hoa Kỳ thông báo rút tất cả các khoản tài trợ cho Uỷ ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một cơ quan của LHQ được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu.
Trong khi Mỹ lùi bước, kỳ vọng về vai trò lãnh đạo các hành động khí hậu hiện nay đang được đặt vào Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thống Macron đã kêu gọi châu Âu và hứa sẽ lấp khoảng trống, trong khi Thủ tướng Merkel cam kết tăng gấp đôi tài chính khí hậu để hỗ trợ các nước đang phát triển tới năm 2020 và cam kết giúp các nước kém phát triển về tài chính cho nỗ lực thích nghi với biến đổi khí hậu, cụ thể là hỗ trợ về hệ thống thông tin khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.
Tuy nhiên, người tham dự thất vọng khi bà Merkel không công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc của Đức vào than đá. Khoảng 40% ngành năng lượng Đức phụ thuộc vào than đá và nếu sự phụ thuộc đó tiếp tục được duy trì thì quốc gia Tây Âu này sẽ không đáp ứng được các mục tiêu về lượng khí thải vào năm 2020.
Trên thực tế, Châu Âu sẽ không thể đạt được mục tiêu giảm phát thải ít nhất 40% so với mức năm 1990 vào năm 2030 trừ khi các chính sách được thay đổi và cam kết nhiều hơn.
Mặc dù các quốc gia đã đưa ra cam kết chính trị về việc sẽ tăng cường các cuộc đàm phán, tiến trình có thể tiếp tục chậm, đặc biệt là khi COP năm 2018 được tổ chức tại Ba Lan. Bởi lẽ, Ba Lan là một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào than, với khoảng 80% lượng điện sản xuất từ than đá. Chỉ số hành động chống biến đổi khí hậu của nước Đông Âu này là ở hạng 40, và lưu ý rằng đây là quốc gia tiếp tục chống lại các quy định về khí hậu.
Một vài bước tiến nhỏ
Mặc dù tiến triển ít nhưng COP23 cũng khép lại với một vài thắng lợi nhỏ.
Trước tiên, các quốc gia đã đồng ý đánh giá lại tiến độ giảm phát thải vào năm 2018 và 2019, cũng như tiến hành đánh giá về tài chính khí hậu vào năm 2018 và 2020.
Hội nghị cũng mở rộng sự tham gia của các đại diện với sự có mặt chính thức lần đầu tiên của các đại diện của phụ nữ và cộng đồng bản địa. Điều này hứa hẹn sẽ hướng sự chú ý nhiều hơn vào các cộng đồng nghèo nhất.
Hội nghị Thượng đỉnh tháng 12 sắp tới tại Pháp về biến đổi khí hậu tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang lại những bước tiến để đẩy nhanh các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.
Bạch Dương (Theo IPS)