Do ảnh hưởng của bão số 12, nhiều diện tích rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, tỉnh Đác Nông bị gãy đổ, bật gốc nằm la liệt. Điều đáng nói là nhiều khu vực cây rừng bị đổ nằm đè lên nhau với diện tích lớn, nhiều diện tích cây đã khô nằm gần khu vực người dân xâm canh sản xuất nông nghiệp. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là khi mua khô Tây Nguyên đang cận kề.
Chúng tôi đi thực tế tại các tiểu khu 1628, 1629 và 1329 thuộc lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, chứng kiến nhiều cây rừng bị bật gốc, gãy đổ hàng loạt, thậm chí nhiều cây thuộc diện cổ thụ với đường kính lớn cũng bị tàn phá. Do mật độ cây đổ dày đặc, nên việc di chuyển những cây đổ này là hết sức khó khăn. Tiểu khu 1329 là khu vực rừng bị ngã đổ nặng nhất, nhiều khu vực mức thiệt hại khoảng 80%. Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Nguyễn Văn Mạnh khẳng định: “Nguyên nhân cây rừng bị gãy đổ, bật gốc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung là do ảnh hưởng của bão số 12. Hiện, chúng tôi đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ hiện trường, ngăn ngừa một số đối tượng lợi dụng việc cây ngã đổ để khai thác rừng, đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng để tìm các giải pháp khắc phục. Trước mắt, chúng tôi tổ chức cắt dọn những cây gãy đổ chắn ngang các đường chính dẫn vào các tiểu khu có cây rừng ngã đổ để thống kê thiệt hại, còn về lâu dài phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Theo thống kê ban đầu của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, đến thời điểm này, ngoài những cây rừng có đường kính nhỏ thì đã có hơn 530 cây rừng tự nhiên, có chiều cao gần 30 m, đường kính từ 25 đến 50 cm trở lên bị gãy đổ, bật gốc với khối lượng gỗ ước tính hơn 300 m3. Hiện, các tuyến đường dẫn vào khu vực rừng ngã đổ bị cây nằm chắn ngang, mật độ dày đặc khiến cho việc đi lại, kiểm tra giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng của Khu bảo tồn vẫn chưa thể thống kê hết toàn bộ tình trạng thiệt hại. Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Vấn đề khiến chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là việc phòng chống cháy rừng. Vì hiện nay một số khu vực thuộc tiểu khu 1329 có tỷ lệ cây đổ số lượng lớn, mật độ dày đặc, cây đã bị khô, trong khi đó khu vực này nằm liền kề với rất nhiều nương rẫy của đồng bào dân tộc tại chỗ xâm canh sản xuất nông nghiệp nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, nhất là trong khi Tây Nguyên đang bước vào mùa khô. Rất mong các cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải pháp khắc phục sớm để tránh thiệt hại nếu xảy ra sự cố cháy rừng”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đác Nông Lê Trọng Yên cho biết: “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung tăng cường biện pháp bảo vệ hiện trường, tránh việc lợi dụng cây đổ để khai thác rừng, đồng thời tiến hành kiểm đếm, đánh giá mức độ thiệt hại, thống kê toàn bộ diện tích, khối lượng để có biện pháp xử lý. Sau khi có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đác Nông để xử lý kịp thời. Về lâu dài sẽ chỉ đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung xây dựng phương án tái sinh rừng trên diện tích bị thiệt hại”.
Cây rừng ngã đổ với khối lượng lớn, nhiều khu vực mức độ thiệt hại hoàn toàn, có nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Nếu các cơ quan chức năng không xử lý kịp thời, có biện pháp tận thu sẽ gây lãng phí một lượng tài nguyên rừng rất lớn, nhất là trước thực trạng khan hiếm gỗ rừng tự nhiên như hiện nay.