Ngày 24-11, hơn 40 cán bộ thuộc các chi cục kiểm lâm và hải quan khu vực miền trung và Tây Nguyên tham gia hội thảo tập huấn kéo dài một ngày rưỡi về thực hành nhận dạng các loài gỗ quý, hiếm và nguy cấp trong danh mục cấm hoặc hạn chế buôn bán, đồng thời được trang bị các kỹ năng về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại gỗ.
Khóa tập huấn được TRAFFIC phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, là hoạt động thứ hai trong chuỗi ba lớp tập huấn được dự án hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc. Tại hội nghị, đại biểu được cập nhật về thực trạng buôn bán gỗ bất hợp pháp tại Việt Nam bao gồm hệ thống luật pháp và chính sách mới, và tập huấn nhận dạng các loài gỗ thuộc danh mục cấm và hạn chế buôn bán thông qua việc sử dụng bộ công cụ đặc biệt bao gồm sổ tay nhận dạng gỗ tại hiện trường, tài liệu tham chiếu và kính lúp.
Hoạt động buôn bán gỗ trái phép là một vấn đề nóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức Liên hợp quốc ước tính 30-40% tổng giá trị các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ có nguồn gốc từ gỗ bất hợp pháp.
Vào tháng 5, Chính phủ Việt nam đã ký kết tham gia Hiệp định thúc đẩy thương mại và giảm số lượng xuất khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường Liên minh châu Âu. Quá trình thực hiện, Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm giải trình, khung pháp lý và bảo đảm đội ngũ cán bộ chuyên trách được tập huấn nghiệp vụ về nhận dạng các loài gỗ hợp pháp vầ bất hợp pháp.
Để hỗ trợ hoạt động chuyên môn, TRAFFIC phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng và phát hành bộ công cụ gồm tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chi tiết về nhận dạng của 35 loài gỗ quý hiếm, nguy cấp và hướng dẫn xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này. Bộ công cụ này được phát cho lực lượng cán bộ ngành kiểm lâm và hải quan sử dụng trên thực địa trong quá trình kiểm tra và xác định vi phạm trong vận chuyển gỗ bất hợp pháp trong nước và qua biên giới.
Ông Lê Văn Bách, Vụ trưởng Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: “Khóa tập huấn có ý nghĩa vượt ra ngoài hoạt động tăng cường an ninh đường biên. Việc tăng cường thực thi pháp luật sẽ thúc đẩy thực hành thương mại gỗ bền vững, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước láng giềng. Hoạt động thương mại gỗ bất hợp pháp tác động xấu đến môi trường. Thông qua tổ chức các khóa tập huấn này, chúng tôi muốn chung tay bảo vệ những cánh rừng tại khu vực Đông Nam Á, và đầu tư vào rừng chính là đầu tư cho thế hệ mai sau. Sau khóa tập huấn, chúng tôi sẽ yêu cầu học viên chia sẻ các nội dung đã học với các đồng nghiệp cùng cơ quan, giúp nhận rộng các nội dung này ra 100% lực lượng cán bộ chuyên trách về thương mại gỗ tại Việt Nam.”
Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện tổ chức TRAFFIC cho biết, đây là giai đoạn rất quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á khi hoạt động buôn lậu gỗ đang đe dọa phá hủy môi trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nước và nguồn lương thực trong nhiều thế hệ. Việc phối hợp với Tổng cục lâm nghiệp tổ chức các khóa tập huấn như thế này sẽ giúp loại bỏ các thực hanh thương mại gỗ không bền vững thông qua nâng cao năng lực ngăn chặn hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Khóa tập huấn được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Thương mại Lâm sản có trách nhiệm (RAFT3), do Chính phủ Australia tài trợ. Khóa tiếp theo dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới.