Một khi đánh thuế môi trường và thuế carbon đối với nhiệt điện than, ‘điện sạch’ có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhiệt điện than.
Quan tâm đến Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Chính phủ vừa ban hành, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) bày tỏ niềm vui khi trong Nghị quyết đã nói rõ rằng hạn chế phát triển nhiệt điện than và thay thế bằng năng lượng sạch.
Cụ thể, Nghị quyết của Chính phủ có ghi: Ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Hạn chế tối đa việc bổ sung các nhà máy nhiệt điện than mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL; từng bước chuyển đổi công nghệ đối với các nhà máy nhiệt điện than hiện có theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Từ định hướng này, theo chuyên gia Ngô Đức Lâm, có thể hiểu rằng Việt Nam sẽ không phát triển các nhà máy nhiệt điện than nhiều hơn nữa tại ĐBSCL và tối đa sẽ là 14 nhà máy như nội dung trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
“Về việc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh có sửa nữa hay không thì theo quy định của pháp luật, bây giờ làm quy hoạch 10 năm nhưng sau 5 năm đã phải xem xét theo kế hoạch 1 lần, hoặc sửa tăng lên hoặc bớt đi. Vì thế, có thể đến năm 2020 sẽ xem xét lại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Tôi hy vọng mỗi năm giá điện gió và mặt trời sẽ giảm đi, cạnh tranh được với giá nhiệt điện than. Khi ấy, dẫu có muốn thì người ta cũng không làm nhiệt điện than nữa”, ông Ngô Đức Lâm nói.
Vị chuyên gia khẳng định, phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển chung của thế giới. Bằng chứng là tại hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP 23) vừa qua, 20 nước gồm Canada, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Italy, New Zeland, Costa Rica, quốc đảo Fiji và khoảng 10 quốc gia khác đã quyết định không sử dụng than để sản xuất điện vào năm 2030. Riêng nước Pháp sẽ đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than chỉ trong 3 năm nữa.
“Đây là động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo. Còn như hiện nay, vẫn có một số người bảo thủ cho rằng phải phát triển nhiệt điện than, thậm chí nói không có con đường nào khác. Điều đó trái với xu hướng phát triển chung của thế giới”, ông Lâm nhận xét.
Bản thân ông đã dành thời gian nghiên cứu về việc vì sao giá nhiệt điện than thấp hơn điện gió và điện mặt trời. Theo đó, các nước châu Âu đánh thuế carbon, tức thuế ô nhiễm môi trường do phát thải khí nhà kính đối với nhiệt điện than rất cao, thậm chí còn cao hơn so với thuế môi trường.
“Khi cộng thuế carbon vào thì giá nhiệt điện than so với giá điện gió, điện mặt trời là tương đương nhau. Do đó, các nước dễ phát triển điện gió, điện mặt trời.
Ở Việt Nam, tôi có hỏi Bộ TN-MT thì được biết, từ năm 2018, nước ta có khả năng phải nghiên cứu đánh thuế carbon chứ không chỉ thuế môi trường đối với nhiệt điện than.
Thuế carbon được các nước phát triển tính rất cao và nó hay ở chỗ: nhà nước lấy thuế đó không phát triển gì khác mà để giúp những nơi khó khăn phát triển năng lượng tái tạo.
Lãnh đạo nhiều nước khi sang thăm Việt Nam cũng đều hứa hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo. Trong khi đó, tài trợ của nước ngoài cho Việt Nam đã quy định không tài trợ cho phát triển nhiệt điện than.
Chính vì thế, xu thế phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu và Việt Nam có thể làm được. Khi thuế carbon được áp dụng thì vai trò của nhiệt điện than sẽ thấp đi nhiều, lúc ấy không cần phong trào phản ứng gì người ta cũng hạn chế nhiệt điện than. Vì lẽ đó, chưa cần tới năm 2030, mà tới năm 2025, nhiều doanh nghiệp sẽ đổ xô vào làm năng lượng tái tạo. Điện gió, điện mặt trời khi ấy có thể cạnh tranh bình đẳng với nhiệt điện than, không cần Nhà nước hỗ trợ vẫn có khả năng phát triển ngang ngửa”, ông Ngô Đức Lâm cho biết.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đánh giá cao khả năng phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam. Việt Nam đã hợp tác với Mỹ để khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh. Với trữ lượng của mỏ khí này, Việt Nam đủ sức phát triển 4 nhà máy nhiệt điện khí.
Khi nhiệt điện khí, điện gió và điện mặt trời phát triển được thì đương nhiên nhiệt điện than sẽ bớt đi.
“Dĩ nhiên là nhiệt điện than vẫn có nhưng nó không đóng vai trò chủ yếu và được ưu tiên nữa”, ông Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.