Với Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐBSCL có thể phá vòng vây của các nhà máy nhiệt điện.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra để phát triển bền vững ĐBSCL đó là xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, trong đó phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên.
Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; phát triển dịch vụ – du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hoá, con người với hiệu quả kinh tế cao. Phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên.
Nghị quyết này làm dấy lên niềm tin mạnh mẽ rằng ĐBSCL có thể giải tỏa nỗi lo về những nhà máy nhiệt điện.
Suốt thời gian qua, nhiều nhà khoa học, kinh tế đã liên tiếp lên tiếng cảnh báo về những hậu quả khôn lường mà ĐBSCL – vùng trọng điểm về nông nghiệp, thủy sản của cả nước, phải đối mặt khi số lượng nhà máy nhiệt điện xây dựng tại khu vực ĐBSCL ngày càng nhiều.
Theo kế hoạch, để đáp ứng nhu cầu, đến năm 2030 cả nước sẽ có tất cả 51 nhà máy điện than. Riêng tại khu vực ĐBSCL đến năm 2030 sẽ có tới 14 nhà máy điện than. Các nhà máy này được quy hoạch xây dựng ở Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ.
Trong đó, hai trung tâm sản xuất điện than lớn nhất ĐBSCL là Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) và Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Với quy hoạch trên, tính trung bình cứ một năm tại ĐBSCL lại có một nhà máy điện than ra đời.
Theo nghiên cứu của Liên minh Bảo vệ nguồn nước quốc tế, ở nhà máy điện than, để sản xuất 1MWh điện thì cần tới 4.163 lít nước.
Còn Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam khẳng định nếu tất cả 14 nhà máy điện than tại ĐBSCL hoạt động thì mỗi ngày sẽ thải ra môi trường 70 triệu m3 nước nóng 40oC.
Hệ sinh thái dưới nước và các loài thủy sản sẽ bị gây hại. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và văn hóa sông nước của hàng triệu người sống ven sông, ven biển gần nhà máy điện than.
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam dẫn nghiên cứu của ĐH Harvard năm 2015 cho biết ô nhiễm từ các nhà máy điện than là rất lớn, ước tính mỗi năm có khoảng 4.300 người Việt Nam bị chết yểu do bệnh tật liên quan đến điện than.
Trong một nghiên cứu được Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) công bố cũng cho thấy có sự tác động của khí thải, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than tới chất lượng đất đai, cây trồng bởi khi than được đốt lên, các chất thải sẽ vào không khí, ngấm vào nước, đất, tác động đến nông nghiệp.
Trước những hậu quả khôn lường nói trên, một số chuyên gia đề xuất rằng, ĐBSCL nên kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Sơ đồ Quy hoạch phát triển điện 7 trong phát triển điện đối với ĐBSCL.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các nhà hoạch định quy hoạch hành động, việc Chính phủ ra Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển công nghiệp xanh có thể coi như đã dẹp mối lo nhiệt điện bủa vây ĐBSCL.