Những thống kê khi cơn bão đi qua chưa thể phản ảnh hết những gì mà người dân trong vùng bão lũ phải gánh chịu. Đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng từ thủy điện trong cơn bão này. Họ chính là những phận người nổi trôi theo dòng nước từ thiên tai bão lũ và từ nhân tai – việc xả lũ của thủy điện.
Cơn bão số 12 (Damrey) quét qua, đã để lại cho người dân miền Trung những tang thương, mất mát không gì bù đắp được: 106 người đã thiệt mạng, 25 người mất tích, gần 200 người bị thương, hơn 100 nghìn ngôi nhà bị sập và hư hỏng do mưa bão.
Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có đến hơn 70.200 ngôi nhà bị ngập và Đà Nẵng là hơn 11.500 ngôi nhà… Ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi. Tại Khánh Hòa – nơi tâm bão, từ khi bão vào đất liền đến lúc bão đi qua, chỉ vài giờ ngắn ngủi nhưng đã lấy đi của người dân nghèo những sản nghiệp tích lũy cả cuộc đời. Chỉ sau một đêm, tất cả mất trắng và người dân phải gánh những nợ nần chồng chất không biết bao giờ mới trả được.
Những nơi khác, dù không nằm trong vùng tâm bão nhưng cũng chung số phận khi lũ lụt cũng đã cướp đi những gì quý giá nhất: sinh mạng người thân, hoa màu… Không thể diễn tả hết những tang thương, mất mát của người dân trong trận bão lũ vừa qua.
Vì sao?
Mọi vấn đề đều có căn nguyên của nó. Và trong trận đại hồng thủy này, ông Trời, thủ phạm số 1 đã gây ra cơn bão số 12 là điều tất nhiên, không ai bàn cãi. Đó chính là thiên tai – mang yếu tố khách quan! Nhưng cũng không thể đổ tội hết cho thiên tai, cho ông Trời!
Vậy có những nguyên nhân chủ quan nào?
Rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá, thu hẹp diện tích trong suốt mấy chục năm qua, làm mất tầng trữ nước, giữ nước trong thảm thực vật, làm chậm nguồn nước lũ tràn nhanh, các dòng chảy ra suối ra sông, làm hạn chế lũ lụt là nguyên nhân chính.
Những cánh rừng ở khu vực phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên hầu như đã bị thu hẹp đến mức tối thiểu. Một sự trả giá và đánh đổi vô cùng lớn. Có thể thấy trong thời gian vừa qua ở Tây Nguyên, vụ 50 nghìn héc ta rừng bị tàn phá đã để lại hậu quả vô cùng to lớn. Hay gần đây nhất là vụ phá gần 61 héc ta rừng tại An Lão – Bình Định. Rừng phòng hộ quanh hồ Tả Trạch – Thừa Thiên Huế cũng chung số phận.
Nguyên nhân thứ hai: khi nhiều công trình thủy điện ở miền Trung được xây dựng tràn lan như hiện nay thì rừng đầu nguồn vốn có tác dụng điều hòa và giảm dòng chảy lũ ngày càng bị tàn phá, bị chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đó sự mất an toàn hồ đập trong đó có đập thủy điện càng có nguy cơ gia tăng.
Trong thực tế, chỉ trong vòng 8 tháng từ 10.2012 – 6.2013 đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh miền trung và Tây Nguyên, đó là thủy điện Đak Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ya Krel 2 (Gia Lai). Cũng cần nói thêm, việc xả lũ đồng loạt của các thủy điện tại miền Trung trong cơn bão số 12 vừa qua cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ chồng lũ tại một số địa phương.
Tất cả những yếu tố trên đều xuất phát từ con người. Thiệt hại do xả lũ đột ngột là một hiện trạng chung mà báo chí và dư luận trong thời gian vừa qua đã tốn không ít giấy mực phản ánh, phân tích. Tuy nhiên, thảm họa này vẫn lặp đi lặp lại như một cái hạn không thể tránh. Điển hình trong cơn bão vừa qua tại Thừa Thiên Huế, việc thủy điện xả lũ đột ngột khiến người dân nuôi cá lồng thiệt hại hàng tỉ đồng là một minh chứng.
Báo Công An TP.HCM cũng đã có bài viết phản ảnh về vấn đề này, nêu câu hỏi các đập thủy điện của tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều tiết nước theo đúng quy chuẩn đã cam kết khi xây dựng và xả lũ quá nhanh như vậy đã đúng quy trình hay chưa?
Công tác dự báo có vấn đề
Đây là công việc rất quan trọng để phòng chống thiên tai do bão và giảm thiểu những mất mát, rủi ro cho dân, cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nói đến qua trận bão lụt vừa qua.
Cụ thể, lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên và Bình Định đã phản ứng về dự báo bão số 12 trong cuộc họp vào ngày 6.11.2017 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về thiệt hại và khắc phục cơn bão 12. Trong cuộc họp này, ông Võ Ngọc Hòa – Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (huyện bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Phú Yên), nói:
“Tôi thấy việc dự báo cơn bão này là chưa chuẩn. Dự báo bão là đi hướng tây-tây nam, chịu ảnh hưởng trực tiếp là Khánh Hòa đến Ninh Thuận, không đả động gì tới Bình Định cả, nhưng đấy, bão có vô Bình Định không mà dự báo vậy, trong khi Ninh Thuận lại không có. Phải khẳng định dự báo hướng đi của bão là chưa chuẩn”. Ông Hoà còn cho biết khi ông xuống dân để vận động tránh trú bão, người dân bảo rằng dự báo bão đâu có vào Phú Yên, chỉ vào Khánh Hoà và Ninh Thuận thôi…”.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết: “Khi chúng tôi phỏng vấn nhanh các thuyền viên thì họ báo rằng là do thông báo bão chỉ từ nam Phú Yên trở vào cho nên tất cả tàu họ vào Quy Nhơn để trú. Họ cứ nghĩ là an toàn rồi. Họ không nghĩ là bão vào thẳng biển Quy Nhơn rất là lớn, gió cấp 10, giật cấp 11-12, nên gây thiệt hại nặng nề”.
Những thống kê khi cơn bão đã qua cũng chưa phản ảnh hết những gì mà người dân trong vùng bão lũ phải gánh chịu. Đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng từ thủy điện trong cơn bão này. Họ chính là những phận người nổi trôi theo dòng nước vừa từ thiên tai bão lũ vừa từ việc xả lũ của thủy điện. Và cũng chẳng bao giờ có thể thống kê hết được những mất mát và tổn thất về tinh thần cũng như vật chất.
Những ngày này, cả nước cùng chung tay và góp sức cho những người dân trong vùng bão lụt. Đó là tấm lòng đáng quý và là truyền thống của người Việt Nam. Nhưng trong thâm tâm, không ai muốn xảy ra những hạn kỳ phận người nổi trôi theo dòng nước. Phải làm gì chứ!
Ý kiến chuyên gia
TS. Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã từng có những cảnh báo về nguy cơ vỡ đập thủy điện tại Việt Nam. Trên Báo Giao thông vào ngày 10.12.2016, chuyên gia này đã đưa ra những vấn đề tồn tại hiện nay như sau: “Khai thác tiềm năng thủy điện khác xa với khai thác các tài nguyên hóa thạch khác. Khai thác thủy điện tác động rất lớn đến môi trường, sinh thái của các dòng sông, suối, đến nguồn tài nguyên duy trì cho cuộc sống của con người, cho an ninh lương thực. Làm thủy điện, người ta phải xây dựng các công trình ngăn, chặn các dòng sông, tức là tác động đến nguồn nước, đến con sông – mạch sống mà mọi người, mọi ngành đều cần. Các công trình thủy điện được xây dựng trong điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp khó lường nhưng phải có độ an toàn cao nhất có thể nếu hạ lưu của nó là dân cư, là đô thị, làng mạc, là các cơ sở chính trị, xã hội, kinh tế…”. TS Tô Văn Trường, chuyên gia về tài nguyên nước và môi trường, trên Báo Tuổi Trẻ ngày 23.10.2016 cũng đã đưa ra ý kiến rất cụ thể: “Ước tính phải mất trung bình khoảng 15ha rừng cho 1MW thủy điện, tàn phá môi sinh rất ghê gớm. Cần rà soát loại bỏ các dự án thủy điện nhỏ lợi bất cập hại dù đã được phê duyệt trong quy hoạch. Đối với các thủy điện đang hoạt động, cần đánh giá lại các quy trình vận hành xả lũ và cấp nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho hạ du, và phải có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp thủy điện gây ra sự cố ngập lụt” Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến khác cũng đã được thông tin trên báo chí. Điển hình là của ông Nguyễn Đình Xuân, Đại biểu Quốc hội hai khóa XI và XII có lần phát biểu: “Thủy điện đã vượt tầm kiểm soát. Phong trào làm thủy điện rầm rộ 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, chúng ta không phủ nhận những mặt có lợi của nó. Tuy nhiên tác hại của nó, đặc biệt là mất rừng ở thượng nguồn làm gia tăng lũ lụt, hạn hán bất thường ở hạ nguồn đã diễn ra nhiều hơn. Hiện nay, các công trình thủy điện đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, nhiều công trình kém chất lượng, hồ đập không an toàn. Tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại xem phải làm gì để bớt đi những rủi ro đối với những đập thủy điện đã làm rồi. Vì một công trình thủy điện chỉ có tuổi thọ nhất định, thường là 50 năm. Trên thế giới có những công trình thủy điện đã phải tháo dỡ trước hạn để trả lại đất rừng và sự thông suốt cho dòng sông… Rõ ràng tính rủi ro của thủy điện rất lớn và điều này cần phải tính trong đánh giá chi phí lợi ích của quốc gia khi thực hiện các công trình thủy điện. Vừa qua, một số thủy điện đã gây tác động xấu như mùa khô thì không xả nước khiến đồng bằng thiếu nước, ngược lại mùa lũ thì xả ồ ạt khiến người dân không kịp đối phó… Lưu ý là có nhiều công trình thủy điện lẽ ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là của các cơ quan khác. Tuy nhiên bằng cách nào đó, chủ đầu tư đã lách luật để dự án của họ không đưa ra Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần lắng nghe ý kiến cử tri, các nhà khoa học đối với những sự việc như vậy…” Nhà thơ Văn Công Hùng, người đã có nhiều thời gian gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, trong bài viết trên Văn nghệ Công an cũng đã đưa quan điểm của mình: “ Phải có một chính sách cụ thể, chiến lược rõ ràng để tồn tại cùng bão lũ. Trước hết là ở thái độ tôn trọng tự nhiên, trả lại tự nhiên những gì tự nhiên có. Đã xuất hiện những căn hầm tránh bão ở miền Trung, những ngôi nhà sống với lũ ở miền Tây vân vân… Làm sao để không phải năm nào chúng ta cũng chứng kiến những mất mát những thiệt hại khủng khiếp mà không làm gì được, ngoài việc lại hô nhau… quyên góp…”. |