Ngày 25-11, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có thông tin phản hồi về việc xả khí thải tại lò thiêu kết của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải ngành công nghiệp sản xuất thép.
Tổng cục Môi trường cho biết, ngày 24-11-2017, một số cơ quan báo chí có đưa tin về việc xả khí thải tại lò thiêu kết của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải ngành công nghiệp sản xuất thép.
Về vấn đề này, Tổng cục Môi trường khẳng định, việc kiểm soát môi trường tại Formosa Hà Tĩnh đang được lực lượng chức năng thực hiện thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và hoạt động quan trắc chất thải định kỳ hàng ngày. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của FHS không liên quan đến việc nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam hiện nay.
FHS đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của Xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 6-2019. Trong thời gian lắp đặt các thiết bị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cũng đã yêu cầu FHS kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu sạch để không làm phát sinh chất ô nhiễm ra môi trường.
Việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Riêng tại xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT.
“Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Từ kết quả giám sát trong quá trình vận hành thử nâng công suất, FHS sẽ đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị xử lý đáp ứng nghiêm ngặt QCVN. Hiện nay, để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TNMT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TNMT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu FHS thực hiện nghiêm túc Kế hoạch khắc phục nêu trên theo đúng tiến độ”, văn bản của Tổng cục Môi trường nêu rõ.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo quy chuẩn sửa đổi QCVN 51:2013/BTNMT đang được Tổ soạn thảo thực hiện rà soát, xây dựng theo đúng quan điểm chỉ đạo “không đánh đổi tăng trưởng lấy môi trường”.
Liên quan đến thông số về Oxy tham chiếu trong Quy chuẩn mới, Tổ soạn thảo đã đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường.
Việc thay đổi tiêu chuẩn đã được tham vấn, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân liên quan, bao gồm: Bộ Công Thương; các Bộ, ngành; Tổng công ty Thép Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thép, các cơ quan quản lý môi trường địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, người dân và đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều của các bên liên quan.
Theo Quy chuẩn hiện hành, mức quy định Oxy tham chiếu là 7% cho tất cả các công đoạn, công nghệ sản xuất và nguyên liệu sử dụng, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị hàm lượng Oxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 19%-20%.
Tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, dự thảo Quy chuẩn hiện nay đề xuất áp dụng là 15% cho công đoạn thiêu kết tương tự như quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xem xét giảm nồng độ tối đa cho phép đối với một số thông số ô nhiễm (SO2, NOx) trong khí thải sản xuất thép, phù hợp với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Với việc yêu cầu FHS phải đáp ứng các quy chuẩn về môi trường của quốc tế như đã nêu ở trên, việc rà soát, điều chỉnh QCVN 51:2013/BTNMT được thực hiện theo hướng quy định chặt chẽ hơn, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam và hội nhập quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam; không phải để hợp thức hóa cho FHS.