Đối với hai phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái, Quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam tới đây sẽ nghiêm cấm các hình thức nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình phục vụ du lịch, đặc biệt là việc xả thải.
Ngày 22-11 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia chia sẻ thông tin và góp ý về hai nội dung của Luật Thủy sản sửa đổi mới được quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 21-11-2017.
Trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lần đầu tiên, khái niệm đồng quản lý được quy định trong Luật Thủy sản sửa đổi 2017 .
Cụ thể, việc đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quy định tại Điều 10 của Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, một phương thức quản lý mới được nhiều quốc gia tiếp cận để quản lý hoạt động này.
Tới đây, người dân, hội, hiệp hội sẽ tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động này; từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững.
Đặc biệt vấn đề được rất nhiều người quan tâm tại hội thảo là việc bảo vệ, quản lý tại các khu bảo tồn biển của Việt Nam. Theo dự thảo về quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm cụ thể hoá các quy định của Luật Thủy sản 2017 thì các khu bảo tồn biển sẽ được chia thành 3 phân khu gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu cho dịch vụ hành chính.
Điểm nổi bật trong quy định về hai phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái là nghiêm cấm các hình thức nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình phục vụ du lịch, đặc biệt là việc xả thải các loại chất thải, nước thải. Còn các hoạt động du lịch bao gồm sử dụng tàu đáy kính quan sát đáy biển, bơi lặn được coi là hoạt động có điều kiện. Tàu cá, tàu biển được đi qua nhưng không được phép thả neo, trừ trường hợp bất khả kháng.
Theo Tổng cục Thủy sản, trên đây là 2 nội dung mới vừa được bổ sung, sửa đổi trong Luật Thủy sản 2017. Theo đó, hội thảo tham vấn quốc gia này được tổ chức là để công bố hai bản dự thảo về Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và các biện pháp thi hành một số điều của Luật Thủy sản, đặc biệt là Quy chế của Chính phủ về quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam. Việc này nhằm thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhà khoa học, các cơ quan bảo tồn… trước khi chính thức trình Chính phủ xem xét.
Quy chế này đang được các nhà khoa học, ngư dân và cộng đồng những người yêu và bảo vệ môi trường quan tâm bởi Việt Nam mới chỉ có 16 khu bảo tồn biển trong đó có nhiều khu bảo tồn biển dễ bị xâm hại. Cụ thể như Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận) mà trước đây Bộ TN&MT đã cấp phép cho “nhấn chìm” bùn cát xuống gần đó nhưng sau đó phải dừng lại do các nhà khoa học, báo chí, cộng đồng dân cư phản đối.