Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 464/KH-BQLR triển khai phát triển rừng phòng hộ bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 27.757ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố tại 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất). Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ là 6.279ha, chiếm 22,6% tổng diện tích đất lâm nghiệp, trong đó: Diện tích đất có rừng là 4.011ha, chiếm 63,9%; diện tích đất trống chưa có rừng 2.267ha, chiếm 6,1%.
Phần lớn diện tích rừng phòng hộ của Hà Nội là rừng trồng (chiếm 97,4% diện tích đất có rừng), với các loài cây như: Thông, keo, bạch đàn. Rừng có trữ lượng thấp, nhiều diện tích rừng bạch đàn sinh trưởng kém gây thoái hóa đất, rừng keo đến tuổi khai thác nhưng không được khai thác nên đã bị rỗng ruột, gãy đổ. Diện tích rừng tự nhiên của thành phố chiếm 2,6% và chủ yếu là rừng nghèo và rừng nghèo kiệt nên giá trị phòng hộ, giá trị cảnh quan và giá trị kinh tế không cao.
Trước thực trạng rừng và đất lâm nghiệp như trên, Ban Quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng xây dựng kế hoạch phát triển rừng phòng hộ bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019. Theo đó, Ban Quản lý triển khai trồng mới 200ha trên diện tích đất trồng không có cây gỗ tái sinh, đất có cây nông nghiệp thuộc địa bàn các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, dự kiến kinh phí đầu tư gần 21,2 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch này, góp phần tạo ra môi trường sinh thái bền vững và phát huy tốt khả năng phòng hộ của rừng; từng bước khai thác các tiềm năng của rừng để phát triển du lịch sinh thái bền vững; nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích rừng và cải thiện đời sống của người dân địa phương.