Hà Nội: 7,2 triệu dân, mật độ 2.171 người/km2. TPHCM: 8,1 triệu dân, mật độ 3.888 người/km2. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng trở thành những siêu đô thị 15-20 triệu dân?
Biến TPHCM thành một siêu đô thị với dân số khổng lồ là “không đúng”. Tuổi trẻ dẫn khẳng định của GS.TS Nguyễn Trọng Hoà, chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM trong một hội thảo về “tầm nhìn”.
GS Nguyễn Trọng Hoà cũng nói, cho dù ý kiến có thể bị phê phán nhưng ông sẽ kiên quyết bảo vệ quan điểm này: “Một siêu đô thị quá chật chội thì mục tiêu trở thành TP sống tốt sẽ càng xa vời, chỉ là mơ ước”.
Ở giác độ hạ tầng, TP đáng sống là TP kẹt xe chỉ là hãn hữu. Nơi mà thay vì stress triền miên trên những con đường chỉ có thể cụng cựa, người dân có thể thong thả dạo bộ vỉa hè, đi lại trên một hệ thống xe bus, Metro, tàu điện thuận tiện. TP đáng sống là nơi người ta đi, chứ không phải bơi trên những con đường. Và TP đáng sống dứt khoát không phải là TP phải bế tắc đến mức nghĩ cả chuyện làm cáp treo để vào một sân bay cứ mưa là ngập, tắc từ dưới đất tắc đến luôn trên trời.
Vậy thì mục tiêu một siêu đô thị, nghe có vẻ khoái lỗ tai, lại phải đặt ra làm gì khi mà dân số càng lớn, càng tỷ lệ nghịch với các điều kiện về hạ tầng.
Xin hãy thử tưởng tượng những TP như Hà Nội thay vì 7-8 triệu dân nay mai sẽ tăng lên 15, thậm chí 20 triệu.
Khi ấy, nó là những siêu thị cá hộp chứ siêu đô thị gì. Khi ấy con người dứt khoát phải trèo lên đầu nhau chứ đâu còn chỗ để mà gọi là sống. Khi ấy, điểm đen ùn tắc sẽ không còn là vài chục nữa, mà chỉ còn có 1, nhưng là 1 điểm ùn tắc toàn thành phố. Và khi ấy, có khi phải lập đàn cầu trời đừng có mưa, nếu không muốn chứng kiến ngần đó con người bì bõm khổ ải dùng phương tiện giao thông đường bộ trên những con sông có tên là đường.
Trong cái hội thảo về tầm nhìn kia, KTS Nguyễn Thị Hậu chắc không vô tình khi nói đến những căn hộ quá nhỏ trong lòng đô thị. Thưa KTS, nó chính là những ổ chuột tân thời, nó chính là một trong những biểu hiện cho tầm nhìn quy hoạch.
Hà Nội cũng như TPHCM đã và đang phải trả giá quá đắt cho mấy chữ viển vông siêu đô thị, trả giá quá đắt trong sự khập khiễng giữa quản lý dân cư và quy hoạch phát triển đô thị.
Càng nhiều dân, càng phải có nhiều nhà cao tầng, những con đường càng nhỏ lại, TP ngày càng hẹp đi, càng không còn đáng sống. Vậy thì phải đặt mục tiêu siêu đô thị làm gì?
Hay ưu tiên số 1 giờ đây lại là lợi ích của số ít các DN xây dựng, các tập đoàn địa ốc rồi?