Ngày 13/11/2017, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) tổ chức Hội nghị “Sử dụng công cụ mô phỏng năng lượng đánh giá chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho các hồ sơ tham gia công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh năm 2017”.
Tháng 3/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành tiêu chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong sản xuất công nghiệp và công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.
Ông Đào Hồng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội- cho biết, tiết kiệm năng lượng trong Cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong ba yếu tố tăng trưởng xanh. Qua khảo sát 15 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp đã thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, kết quả đã tiết kiệm được 83 tỷ đồng.
Điểm qua lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp, các chính sách chiến lược của các nước: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Đào Hồng Thái cho rằng, cơ hội tiết kiệm năng lượng trong cách mạng công nghiệp 4.0 là tiết kiệm ngay tại các cơ sở, doanh nghiệp.
Đó là do cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những giải pháp công nghệ thông tin mới, tích hợp từ các nhà cung ứng: cảm biến, hệ thống điều kiển, mạng truyền thông, quản lý giám sát và theo dõi, qua đó giúp giám sát và điều khiển tối ưu hệ thống thiết bị máy móc, tối ưu hiệu suất sử dụng năng lượng- ông Đào Hồng Thái cho biết thêm.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi kinh nghiệm trong việc áp dung các giải pháp công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đại diện Nhà máy bia Hà Nội- Mê Linh cho biết, nhà máy đã thành lập Ban quản lý năng lượng. Tất cả các khu vực sử dụng năng lượng đều được giám sát đo lượng, hệ thống quản lý năng lượng iBMS quản lý các thiết bị được chính xác hơn. Qua kiểm toán năng lượng năm 2016, với các giải pháp tiết kiệm năng lượng thực hiện trong 3 năm (2014-2015-2016), nhà máy đã tiết kiệm được 1.565.562 kWh, tương đương lượng tiền tiết kiệm được là 2,18 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, nhà máy sẽ tiết kiệm được 1.513.871 kWh, tương đương 2,11 tỷ đồng.
Còn Công ty cổ phần xe lửa Gia Lâm, với việc tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, cùng các giải pháp hạ độ cao đèn chiếu sáng, giải pháp thay thế lò trung tần cũ bằng lò trung tần loại mới, tổng mức năng lượng đã tiết kiệm trong vòng 3 năm vừa qua là 1.373.793 kWh, tương đương lượng tiền tiết kiệm 1,8 tỷ đồng. Đại diện Công ty cổ phần xe lửa Gia Lâm cho biết, theo kế hoạch, trong 3 năm tới, nhà máy sẽ tiết kiệm được 1.328.433 kWh, tương đương 1,7 tỷ đồng.
Theo ông Đào Hồng Thái, việc sử dụng công cụ mô phỏng năng lượng đánh giá chỉ tiêu hiệu quả năng lượng sẽ giúp kiểm soát quản lý dựa trên hiệu suất tốt nhất có thể đạt được, nhờ vậy, tăng được hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm.