Chỉ còn Mỹ chưa ký Thỏa thuận khí hậu Paris

Việc Syria ngày 7/11 thông báo sẽ ký Thỏa thuận khí hậu Paris biến Mỹ trở thành nước duy nhất trên thế giới phản đối văn kiện này.

Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP23) đang diễn ra ở thành phố Bonn, miền Nam nước Đức, đoàn đại biểu Syria ngày 7/11 thông báo nước này sẽ ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Quyết định cũng đồng nghĩa với việc Mỹ trở thành nước duy nhất trên thế giới phản đối văn kiện này.

Một chuyên gia nhân định, về khí hậu, dường như không ai muốn đồng hành với ông Donald Trump. (Ảnh minh họa: Reuters)

“Tôi muốn khẳng định cam kết của nước Cộng hòa Arab Syria đối với Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, cũng như thực hiện các mục tiêu quốc tế và trách nhiệm phù hợp với mỗi nước tham gia ký kết” – Thứ trưởng Bộ Môi trường Syria Wadah Katmawi nói.

Ông Katmawi nêu rõ: “Chúng tôi cũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò của các nước phát triển trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển về mặt kỹ thuật và tài chính để thực hiện những biện pháp cần biết chống lại tác động của biến đổi khí hậu, cũng như áp dụng những công nghệ thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe”.

Cùng với Nicaragua, Syria vốn không tham gia văn kiện được 195 nước ký thông qua năm 2015. Tuy nhiên, Nicaragua dù phản đối thỏa thuận là quá dè dặt, song cuối cùng cũng đã thông qua hồi tháng trước.

Được thông qua ngày 12/12/2015 tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21, thỏa thuận Paris ấn định khuôn khổ các cam kết chính trị, kinh tế và tài chính nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp.

Tuy nhiên, văn kiện lịch sử được 196 nước thông qua này lại phải đối mặt với áp lực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận và tỏ ra không đồng tình với quan điểm cho rằng, biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người. Theo ông, nước Mỹ phải hi sinh quá nhiều so với các quốc gia khác cũng tham gia thỏa thuận.

Liên quan vấn đề này, ông Alden Meyer, thành viên của Liên đoàn các nhà khoa học môi trường – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington chuyên hoạt động về các vấn đề môi trường nhận định – về khí hậu, dường như không ai muốn đồng hành với ông Donald Trump.

Ngay cả Syria, quốc gia đang chìm trong nội chiến với rất nhiều vấn đề phải đương đầu cũng nhận thấy tầm quan trọng của thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng, dù tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris, song Tổng thống Donald Trump cũng để lại cho mình một khoản lùi khá rộng, một phần là do các quy định được nêu trong văn kiện đã hạn chế hành động của Mỹ.

Chính vì thế, nhiều nước vẫn hy vọng rằng vào thời hạn chót là ngày 4/11/2020, một ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump có thể lại rút lại cam kết trước đó hoặc ổng thống mới kế nhiệm ông sẽ thực thi thỏa thuận này.

Hơn hết, những ý kiến ủng hộ văn kiện này tại Mỹ vẫn chiếm số đông. Nhà tỷ phú Michael Bloomberg – cựu Thị trưởng thành phố New York và là người dẫn đầu trong phong trào ủng hộ Thỏa thuận Paris – khẳng định sẽ tìm cách giúp thực thi các cam kết của Mỹ bất chấp quan điểm của Nhà Trắng là như thế nào. Theo các nhà khoa học, đây là một kiểu động lực mới, mà Mỹ đã không có được khi Tổng thống George W. Bush tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Kyoto về biến đổi khí hậu năm 2001.

Nguồn: