Ngày 6-11, Trung Tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông thôn (NC-PTNT) – Trường Đại học An Giang tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển nền nông nghiệp bền vững hướng đến an ninh lương thực vùng Mê Công: Bảo tồn hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái trên nền lúa mùa nổi tại ĐBSCL”.
Hội thảo thu hút sự tham dự của các chuyên gia đến từ các nước Philippine, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Mỹ, Việt Nam cùng các sở ban ngành tại ĐBSCL.
Hội thảo nhằm chia sẻ các hoạt động bảo tồn và vận động chính sách về bảo tồn lúa mùa nổi, đồng thời tăng cường mở rộng mạng lưới nghiên cứu bảo tồn hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái dựa trên mô hình lúa mùa nổi tại ĐBSCL với các bên liên quan; tăng cường mở rộng mạng lưới nghiên cứu để tìm thêm nguồn tài trợ cho việc mở rộng khu vực bảo tồn hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái kết hợp với lúa mùa nổi tại lưu vực sông Mê Công và Myanmar.
Theo thống kê của Trung tâm NC-PTNT, trong năm nước lũ này diện tích trồng lùa nổi tỉnh An Giang là 61 ha gồm xã Lương An Trà ( huyện Tri Tôn) là 30 ha, xã Mỹ An của huyện Chợ Mới 30 ha, xã Tây Phú huyện Thoại Sơn là 1 ha; tại tỉnh Đồng Tháp là 35 ha gồm xã Tân Long huyện Thanh Bình là 30 ha, huyện Tam là 5 ha do người dân chuyển lúa vụ 3 sang lúa nổi. |
Lúa mùa nổi có điểm đặc biệt, thân lúa rất dài so với lúa thường nên thích nghi với nước nổi ở An Giang và Đồng Tháp. Nước cao tới đâu thân lúa vươn dài cao tới đó. Ngày xưa, lúa mùa nổi được trồng phố biến nhưng từ 30 năm trở lại đây diện tích hẹp dần có nguy cơ biến mất. Năm 2013, từ nguồn sưu tập giống ban đầu với 187 dạng bông, Trung tâm đã chọn được 75 dòng thuần tốt để thử nghiệm tại huyện Tri Tôn, vụ mùa 2015-2016. Trong điều kiện không có lũ và hạn cuối vụ năm 2015, Trung tâm đã bảo vệ kết quả nghiên cứu thành công và nông dân đã chọn được 03 dòng thuần ưu tú để phục vụ cho công tác nhân và khảo sát giống ở vụ mùa 2016-2017. Đến vụ mùa 2016-2017, Trung tâm đã nhân và khảo sát 3 dòng thuần lúa mùa nổi có đặc tính nổi trội đã được nhân rộng diện tích.