Sáng 4-11, Bão số 12 đang tàn phá, càn quét thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
+Lúc 6 giờ 15 phút, tâm bão ở 12,60N-109,30E, bắt đầu đổ vào Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
+ Lúc 6 giờ 45 phút, qua điện thoại, ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thảng thốt: “Quá khủng khiếp. Mấy chục năm nay mới có cơn bão lớn thế này! Hiện giờ khắp nơi mưa gió mịt mù. Tôi đang điện nắm tình hình các địa bàn, ở đâu cũng đang bị bão tàn phá”.
+ Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM lúc 6g30, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cho biết bão đang đổ vào khu vực này với sức gió khủng khiếp. “Rất nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây cối, trụ điện, bảng hiệu ngã đổ khắp nơi. Khu vực trụ sở UBND thị xã cũng bị gió quật dữ dội, ngay cả mái ngói của trụ cổng cũng bị bão cuốn phăng…”.
UBND thị xã đã bật còi báo động để cho người dân chủ động phòng tránh bão.
Tại Ninh Hoà, gió bắt đầu mạnh và giật liên hồi kèm theo mưa nhỏ. Dọc bờ biển Đông Hải (Phan Rang), mưa lớn dần, gió thổi mạnh. Trên đường Trần Phú (TP Nha Trang) cây đổ vì gió bão.
Một cán bộ Văn phòng UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết toàn thành phố đã mất điện. Gió mạnh lên từ lúc 5g30. “Một số biển quảng cáo đã bị gió gật đổ. “Hàng trăm người sơ tán vẫn đang tạm trú tại các trường học, nhà văn hóa thôn.
Trên đường, tôn nhà dân bay khắp nơi. Hàng loạt cây xanh ngã đổ. Sóng biển cao 6-8m, nhiều khu vực cúp điện, cây đổ, nhà tốc mái…
Tại Ninh Hòa, mưa giảm nhưng gió mỗi lúc càng mạnh thêm khiến nhà cửa, đường điện của người dân hư hỏng.
+ Lúc 7 giờ sáng, Luật sư Nguyễn Tường Linh (TP.Nha Trang) cho hay: gió đang rít khủng khiếp, mái tôn bay khắp nơi. một số nhà bị gió đánh bung cửa, đồ đạc bị cuốn tung. Quá khủng khiếp!
+ Lúc 5 giờ 45, bão đang đổ bộ vào bờ biển Phú Yên – Khánh Hòa, tâm bão ở Nha Trang – Ninh Hòa.
+ Lúc 5 giờ 30 sáng 4-11, Vị trí tâm bão lúc 05 giờ: 12,70N-109,70E; ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
Ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 10, An Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to 50-150mm.
+ Gần 5 h sáng 4-11, PV Tấn Lộc thông tin: Phú Yên đang hứng gió giật dữ dội.
Anh Lộc thông tin: ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết khu vực tỉnh này đang có gió giật với cường độ rất mạnh, cây cối đổ rất nhiều. Toàn địa bàn Phú Yên hiện có mưa rất to, ven biển sóng đánh dữ dội. “Theo dự báo, nếu bão cứ giữ hướng đi như hiện nay thì tâm bão sẽ đổ bộ vào TP Tuy Hòa”- ông Thế nhận định.
Trao đổi nhanh với PV, ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết bão đang đổ vào với sức gió giật dữ dội. “Tôi liên lạc với các phường đều nói tình hình đang hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, do gió quá mạnh nên anh em chưa thể ra đường, xuống địa bàn để nắm tình hình cụ thể. Với sức gió tàn phá thế này, TP Tuy Hòa có nguy cơ bị thiệt hại rất nặng. Tôi đang lo nhất là các địa phương ven biển như phường 6, phường Phú Đông, xã An Phú…”. Ông Kha nói.
Toàn tỉnh Phú Yên đã mất điện từ 2g. Anh Lê Hồng Duật (ngụ phường 7, TP Tuy Hòa), cho hay: “Gió từ biển đánh vào rất kinh hoàng, giật vỡ cả cửa kính. Thậm chí cái cửa sắt cũng không còn an toàn”. Chị Trần Thị Thảo Ngân (ngụ phường 9, TP Tuy Hòa) nói rằng từ trong nhà nhìn ra, xung quanh cây cối đều ngã rạp. Nhiều trụ viễn thông cũng bị gãy.
Theo ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên), bão số 12 đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương này. Sóng lớn dữ dội đánh vào các khu vực ven biển. Nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn.
+ Lúc 5 giờ, tại thị xã Ninh Hoà có gió giật cấp 9, cấp 10, khiến cây cối nhà cửa rung lắc dữ dội.
Lúc 5 giờ 20, PV Nguyễn Tân cho hay, tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận gió giật mạnh, mưa tầm tã kéo dài từ nhiều tiếng đồng hồ từ trước đó. Người dân lo lắng.
Phan Rang: Cho đến 7:40 phút, mọi hoạt động vẫn diễn ra tương đối bình thường. Lần thứ 4 trong 24 năm, những cơn bão lớn dự kiến đổ bộ đều “né” vùng đất này. Được bao bọc bởi dãy núi Chúa trấn 45 km bờ biển phía Bắc, Ninh Thuận được thiên nhiên “bảo vệ” khá kỹ, như để bù đắp những thiệt thòi về lượng mưa ít nhất nước của vùng đất bán sa mạc này.
Mọi sinh hoạt của người dân gần như trở lại bình thường. Ông Trần Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứn nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Ninh Thuận cho biết hiện tại chưa ghi nhận bất cứ thiệt hại trực tiếp và gián tiếp nào do bão Damrey gây ra.
Nhóm PV Pháp Luật TP.HCM và hơn 20 phóng viên các báo được cử tới Ninh Thuận đưa tin bão đang ra Khánh Hoà- Phú Yên chi viện cho đồng đội, chỉ để lại một nhóm nhỏ theo dõi tình hình mưa lũ sau bão.