Ðến nay, sau hơn ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/T.Ư ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, một số địa phương, doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vẫn chưa triển khai, hoặc chậm hoàn thành.
Nhiều vướng mắc trong sắp xếp đổi mới
Theo Thứ trưởng NN và PTNT Hà Công Tuấn, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40 trong số 41 Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp với số lượng 252 công ty. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể, đã có một số địa phương, doanh nghiệp khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Ðịnh; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam…
Nhiều công ty sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất, kinh doanh ổn định hơn. Nhất là với mô hình cổ phần hóa, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng như: Công ty cổ phần cao-su Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 49 tỷ đồng, sau sắp xếp 133 tỷ đồng), Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 26 tỷ đồng, sau sắp xếp 34 tỷ đồng); Công ty cổ phần chè Bàu Cạn (lợi nhuận trước sắp xếp 277 triệu đồng, sau sắp xếp bốn tỷ đồng),…
Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp và địa phương chưa quan tâm đúng mức, nhất là phối hợp thực hiện. Thậm chí, nhiều đơn vị ngại không muốn làm, khiến cho việc triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chậm tiến độ như: Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Bạch Long, Rạng Ðông (Nam Ðịnh), Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sóc Trăng, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận (Bình Thuận) và một số công ty thuộc UBND tỉnh Nghệ An. Một số địa phương khi xây dựng phương án tổng thể chưa sát thực tế, chưa đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng về hình thức sắp xếp đổi mới cho nên sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể, tiếp tục đề nghị thay đổi, điều chỉnh mô hình sắp xếp, vì vậy đã làm chậm tiến độ thực hiện, như: Quảng Ninh, Bình Thuận, Nghệ An, Cà Mau, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam… Cũng có nơi như TP Hà Nội, Cần Thơ, do thiếu quyết liệt trong việc triển khai thực hiện, lại luôn có thay đổi về nhân sự, cán bộ theo dõi chỉ đạo về công tác sắp xếp, đổi mới, vì vậy nắm không chắc về các quy định và cách thức tiến hành còn nhiều lúng túng, dẫn đến tiến độ chậm và kéo dài.
Ðáng chú ý, việc xây dựng phương án sử dụng đất cho doanh nghiệp, kể cả phần giữ lại và thực hiện bàn giao đất từ các công ty về địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực Tây Nguyên, do trước đây một phần đất của đồng bào góp để thành lập các công ty, diện tích đất bàn giao về địa phương phần lớn đều đã giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn chiếm, đang có tranh chấp; đất có tài sản trên đất phải định giá hoàn vốn đầu tư, việc giải quyết dứt điểm các bất cập này rất phức tạp, một số địa phương chưa thống nhất tiếp nhận đất do công ty bàn giao. Trong khi đó, hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp có nhiều yếu kém về tài chính, do công nợ, hàng hóa tồn kho qua nhiều thời kỳ, hồ sơ không đầy đủ, như một số đơn vị thuộc tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Sóc Trăng, Cần Thơ, hay như Tổng công ty Cà-phê Việt Nam nợ khó đòi, quá thu hiện nay lên tới 380 tỷ đồng mà chưa biết xử lý thế nào…
Do còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cho nên việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị tại nhiều địa phương bị chậm lại. Ðến nay, theo Bộ NN và PTNT và các địa phương, mới cổ phần hóa được 10 trong số 102 công ty, chuyển được 12 trong số 38 công ty sang mô hình công ty TNHH hai thành viên, và phê duyệt giải thể 11 công ty,…
Cần có giải pháp đồng bộ
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ba năm thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ yêu cầu: Năm 2018 là năm cao điểm hoàn thành sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần bám sát nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương trong quá trình triển khai theo các chuyên đề: Cổ phần hóa, đo đạc, chuyển mô hình thành công ty TNHH hai thành viên, xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, việc ký các hợp đồng cho thuê đất, xử lý tình trạng lấn chiếm, liên doanh, liên kết sản xuất không đúng quy định. Năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết nơi nào làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội.
Ðể về đích đúng hạn, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Tất cả các phương án tổng thể, phương án điều chỉnh đều phải được phê duyệt trong quý IV-2017. Ðối với các tỉnh, thành phố như Nghệ An, Nam Ðịnh, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thanh Hóa, Bình Thuận chưa thực hiện xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp, cần kịp thời báo cáo khó khăn vướng mắc, cần thiết đề nghị điều chỉnh, bổ sung phương án để có thể hoàn thành sắp xếp, đổi mới trong năm 2018.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật hệ thống quản lý rừng, đất đai, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương khẩn trương lập kế hoạch, quy hoạch nhận bàn giao diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý sử dụng theo quy định của Nghị định 118/2014/NÐ-CP.
Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện kêu gọi tư nhân góp vốn thành lập công ty TNHH nông, lâm nghiệp hai thành viên trở lên bảo đảm không thất thoát vốn, hoạt động hiệu quả, bền vững. Nghiên cứu, đề xuất để cấp đủ kinh phí đo đạc, rà soát cắm mốc đất đai, kể cả phần đất các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý. Cấp đủ và kịp thời kinh phí đặt hàng giao nhiệm vụ công ích, quản lý bảo vệ rừng đối với các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động công ích và có rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ. Xây dựng cơ chế, tiêu chí khi sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Về các biện pháp xử lý khoản nợ vay của công ty nông, lâm nghiệp sẽ được thực hiện theo quy định phù hợp từng loại hình chuyển đổi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gồm: tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển theo hình thức Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, ban quản lý rừng phòng hộ. Riêng đối với các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện bị giải thể không có khả năng thanh toán các khoản nợ vay và không có tài sản để xử lý, tổ chức tín dụng báo cáo bằng văn bản để Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý từng trường hợp.
(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Việc giao đất cho các nông trường, lâm trường trong một thời gian dài chủ yếu được giao trên sơ đồ, bình đồ, bản đồ địa hình, hoặc bản đồ có độ chính xác thấp, không thực hiện đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới cụ thể trên thực địa; hồ sơ giao đất, cho thuê đất chủ yếu được lập và ban hành kèm theo các quyết định thành lập và do các nông, lâm trường tự quản lý, ít được giao nộp cho các cơ quan quản lý đất đai theo quy định nên hầu hết không được cập nhật và hiệu chỉnh. (Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường) Về xử lý vốn chi trả chi phí đo đạc, xác định giá trị vườn cây, theo quy định, Trung ương sẽ lo 70% số kinh phí đo đạc bản đồ, còn lại 30% số kinh phí là do địa phương thu xếp. Tổng hợp của 41 tỉnh, thành phố thì kinh phí này là hơn 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, vướng mắc không phải ở khả năng chi trả mà là ở khâu xử lý đất đai để phục vụ đo đạc. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp, báo cáo Quốc hội ưu tiên bố trí vốn cho đo đạc. (Theo Bộ Tài chính) |