Bộ trưởng TN&MT: Mưa lũ thiệt hại lớn do dự báo, mất rừng

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, thiệt hại mưa lũ vừa qua do dự báo chưa chính xác, do mất rừng.

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội chiều nay, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải trình trước QH về công tác cảnh báo, dự báo thiên tai.

“Tôi đồng tình với ý kiến các ĐB cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong các đợt thiên tai vừa qua là dự báo chưa chủ động, chưa chính xác. Cụ thể là dự báo về định lượng mưa”, ông Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình, tiếp thu trước QH chiều nay. Ảnh: Minh Đạt

Ngoài ra, theo Bộ trưởng còn có nguyên nhân do mất rừng, công tác quy hoạch, bố trí dân cư tại những vùng xung yếu chưa hợp lý và nguyên nhân khách quan do mưa lịch sử, cực đoan.

Bộ trưởng Hồng Hà giải thích, công tác dự báo định lượng mưa, dự báo lũ quét, sạt lở đất ngay tại các nước tiên tiến cũng chỉ dự báo được trên diện rộng, còn dự báo trong điều kiện cực đoan và diện hẹp còn khiếm khuyết.

“Để khắc phục hạn chế, Nhà nước đang đưa các dự án đồng bộ vào hoạt động, tập trung nhiều nhân lực để đạt mức trung bình so với thế giới”, Bộ trưởng cho hay.

Với tinh thần xã hội hoá, từ 2018 sẽ dần bổ sung thêm hơn 3.000 điểm báo mưa, nâng tổng số điểm lên gần 5.000, bảo đảm đạt 40-100 km2 có 1 trạm.

Việt Nam đã có bản đồ lũ ống, lũ quét, tai biến do địa chất. Tuy nhiên, các địa phương, ngành khác cần rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch bố trí lại dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất hợp lý.

Với các tỉnh miền núi phía Bắc, phải coi các cơ chế môi trường, sử dụng tài nguyên nước, phát triển rừng gắn với vấn đề sinh kế người dân, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

89% rừng bị mất vì dự án

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng đánh giá những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến thành quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Ông dẫn chứng, riêng đợt mưa lũ vừa qua đã làm gần 100 người chết và mất tích, gây thiệt hại trên 8.500 tỷ đồng.

ĐB Đỗ Trọng Hưng. Ảnh: Minh Đạt

Ông nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên, trong đó có việc để mất rừng tự nhiên.

“Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, 5 năm qua diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng bị giảm, còn lại do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%”, ông nêu.

ĐB cho rằng đây là hồi chuông cảnh báo khẩn thiết tới QH và Chính phủ cần quan tâm vì hệ luỵ sẽ hết sức khôn lường.

“Tôi đề nghị Chính phủ sớm tổ chức hội nghị bàn giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm khắc phục tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh miền núi phía Bắc”, ĐB kiến nghị.

Ông cũng đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích.

ĐB Ksor Phước Hà (Gia Lai) cũng lo lắng khi rừng Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng, so với cùng kỳ 2016, diện tích rừng toàn vùng bị mất trong năm nay đã tăng hơn 50%.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Lạng Sơn Dương Xuân Hoà dẫn chứng thêm, trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước mất hơn 4.300 ha rừng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, trong đó có hơn 1.100 ha bị chặt phá, tăng 1,7 lần.

“Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài, nhưng chậm được phát hiện, xử lý. Tình trạng này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên”, ĐB kiến nghị phải có khung pháp lý, từng bước ngăn chặn vấn nạn này.

Nguồn: