Bất cập trong vận hành hồ chứa tại các nhà máy thủy điện, cùng với yếu kém quan trắc dự báo dẫn đến việc xả lũ ồ ạt, gây thiệt hại lớn…
Thủy điện hiện vẫn là một trong những nguồn năng lượng quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, còn những bất cập trong quy trình vận hành hồ chứa tại các nhà máy thủy điện, nhất là các nhà máy thủy điện nhỏ, cùng với những yếu kém trong quan trắc dự báo dẫn đến việc xả lũ ồ ạt, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Đợt mưa lũ do áp thấp nhiệt đới giữa tháng 10 vừa qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết cực đoan gây mưa to, lũ lớn bất thường, thì việc cùng lúc 52 hồ thủy điện xả lũ đã dẫn đến tình trạng ngập lụt càng thêm nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành vùng hạ du. Chưa năm nào cùng lúc nhiều hồ thủy điện xả lũ như năm nay. Chỉ riêng tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã phải mở 8 cửa xả đáy.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không dự báo được sớm về lưu lượng mưa và nước về hồ để chủ động ứng phó trước? Thực tế cho thấy, lượng nước đổ về hồ Hòa Bình khác xa so với dự báo của cơ quan khí tượng. Đơn cử như có thời điểm, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì lượng nước về hồ là 2.900 m3/s, nhưng thực tế lại lên tới 11.290 m3/s, chênh lệch hơn 8.000 m3/s.
Đợt lũ lớn trái mùa này với lưu lượng lớn nhất là 15.940 m3/s, khiến hồ Hòa Bình phải xả 8 cửa đáy để bảo đảm an toàn đập. Việc làm này đã gây ngập nặng vùng hạ du.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, đợt lũ tháng 10 đã xả tất cả các nhà máy một cách vô trật tự, không tính toán lưu lượng một cách thỏa đáng và dự báo sai. Riêng nhà máy thủy điện Hòa Bình xả 8 cửa xả đáy 3000m3/s.
“Nhược điểm của mình là không có công cụ tính toán để đưa ra hiệu quả kinh tế cao nhất cho hồ thủy điện. Tiết kiệm được nước là quý nhưng cần học cách tính toán quản lý vận hành hồ chứa để tránh vỡ đập và không gây ngập lụt”, ông Ngãi nhận định.
Những nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình mà vẫn còn những sai lệch trong quan trắc dự báo như vậy, thử hỏi, các nhà máy thủy điện nhỏ sẽ ra sao? Từng có thời gian đi khảo sát tại các nhà máy thủy điện tại Việt Nam trong 10 năm qua, ông Hà Ngọc Tuấn – Kỹ sư trưởng Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản) nhận định, bất cập lớn nhất của các nhà máy thủy điện tư nhân ở Việt Nam là không có năng lực dự báo và công cụ vận hành quy trình một cách hiệu quả.
Theo ông Tuấn, hiện phía Nhật Bản đang thử nghiệm Chương trình điều khiển dòng chảy HNT, giúp dự báo chính xác về lượng mưa và lượng nước về cũng như lượng nước dự trữ trong hồ, để điều chỉnh cửa van, dòng chảy ra vào hợp lý, không lãng phí nước và đặc biệt là có thể kiểm soát xả lũ an toàn. Công nghệ này đang áp dụng thành công ở Thủy điện Thác Xăng, tỉnh Lạng Sơn. Hồ chứa đã được điều hành theo hướng tiết kiệm nước và không gây ra lũ nhân tạo.
“Ý tưởng phần mềm này dành cho các hồ thủy điện nhỏ. Hồ lớn còn có thời gian nhưng hồ nhỏ mới đáng lo. Hồ nhỏ khả năng chứa thấp, nguy cơ về tràn rất cao nên dùng công cụ phản ứng với lũ về. Mực nước xả ra không được lớn hơn mực nước vào hồ, không gây ra lũ nhân tạo. Để kiểm soát phải dự báo tốt lưu lượng vào hồ. Chúng tôi có công nghệ cho phép tính được lưu lượng vào hồ theo thời gian thực, khắc phục được tình trạng hồ chứa Việt Nam xả lũ nhân tạo”, ông Tuấn nói.
Hiện cả nước có 330 nhà máy thủy điện đang vận hành, các hồ đập thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. Để phối hợp vận hành hồ chứa trên từng lưu vực sông có hiệu quả, ngoài những vấn đề về năng lực dự báo, năng lực vận hành hồ, thì vấn đề bảo đảm thông tin kịp thời, thống nhất là hết sức quan trọng.
Giữa các chủ hồ đập với các cấp chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn khi thông tin xả lũ để người dân ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, cần sớm đưa ra những qui định cụ thể, chi tiết về hành lang thoát lũ, giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ lưu khi thủy điện xả lũ.
Ông Trần Hữu Lượng – Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản pháp luật, điều chỉnh quy định tiêu chuẩn đối với hồ thủy điện nhỏ và kiểm tra, xử lý nghiêm minh chủ đập không thực hiện.
“Đặc biệt là Bộ sẽ thúc đẩy hướng dẫn phương án xác định bản đồ ngập lụt hạ du để làm cơ sở cho việc xây dựng có chất lượng phương án đảm bảo an toàn cho hạ du mùa lũ”, ông Lượng cho biết.
Thực tế nhiều năm qua, không ít lần xảy ra trường hợp nhà máy thủy điện xả lũ bất ngờ, gây thiệt hại lớn cho người dân vùng hạ du, nhưng các chủ đầu tư đều cho rằng: họ đã vận hành đúng quy trình. Đúng – sai chưa phân định rõ, nhưng thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân thì đã hiện hữu.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du, nhất là trong những đợt mưa lũ lớn, cần phải rà soát quy trình vận hành và ứng dụng công nghệ hiện đại từ dự báo cho đến tính toán xả lũ. Cùng với đó là phải gắn trách nhiệm cụ thể và tăng chế tài xử phạt với chủ đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật.