Chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo thay vì thói quen sử dụng năng lượng hóa thạch chính là cách chúng ta cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh.
Đây là thông điệp được bà Christiana Figueres (Top 5 phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực khoa học năm 2017 do BBC Mundo bình chọn) chia sẻ trong cuộc họp báo mới đây tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Hà Nội.
Tính cấp bách của vấn đề BĐKH đang được nhìn nhận như thế nào ở cấp độ quốc tế và Việt Nam, thưa bà?
Toàn cầu đang chịu hậu quả nặng nề của BÐKH và Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của thách thức này. Những tác động tiêu cực của BÐKH ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe cũng như sinh kế của người dân. Do vậy, cộng đồng quốc tế cần chung tay giữ gìn môi trường xanh, chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo thay vì thói quen sử dụng năng lượng hóa thạch.
Việc trong năm 2015, 196 quốc gia và vùng lãnh thổ phê chuẩn cam kết tuân thủ và thực thi Thỏa thuận Paris về chống BÐKH, đã minh chứng điều quan trọng có tính toàn cầu này. Nếu trước đây, người ta cho rằng việc phát triển năng lượng tái tạo (từ nguồn năng lượng mặt trời và gió) khá tốn kém nên còn e ngại, thì hiện tại, lợi ích của việc sử dụng năng lượng tái tạo với môi trường sống của người dân cũng như với các nhà đầu tư công nghiệp năng lượng tái tạo, đã khiến nhiều quốc gia dần chuyển đổi mô hình sản xuất và sử dụng năng lượng sạch…
Hiện quốc tế rất quan tâm, đồng thời muốn giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay, các định chế tài chính đang giảm tài trợ cho việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang cổ động sử dụng năng lượng tái tạo. Các ngân hàng phát triển cũng đang ngừng các khoản tín dụng liên quan tới ngành than, khí gas tự nhiên. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần suy nghĩ về thực tế này và hạn chế lệ thuộc vào các nguồn vốn vay truyền thống, quan tâm nhiều hơn tới những nguồn vốn vay mới, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Việt Nam là một thành viên tích cực của châu Á, nơi nhiều mô hình năng lượng mới đang được xây dựng. Nhiều quốc gia trên thế giới sẽ coi Việt Nam là một hình mẫu để học hỏi.
Theo bà, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris lịch sử về BÐKH đã tạo ra những khoảng trống như thế nào trong việc đẩy mạnh thực thi thỏa thuận?
Nhà Trắng đã tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về BĐKH vào tháng 11/2020. Thực tế, vẫn nhiều người Mỹ ủng hộ thỏa thuận này vì nó sát sườn tới lợi ích của người Mỹ như việc độc lập về năng lượng và tiềm năng việc làm. Tôi chưa nghe một ý kiến cụ thể từ một quốc gia nào về quyết định này của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Song các quốc gia đều tin rằng Thỏa thuận vẫn đang sống và có sức lan tỏa. Mới nhất là trường hợp của Nicaragua, ban đầu họ không có ý định tham gia Thỏa thuận nhưng cách đây 3 ngày họ đã thông báo tham gia.
169 nước đã thông qua, một số nước đã phê chuẩn thỏa thuận. Lý do cũng như động lực để họ cam kết với thỏa thuận đa phương này chính là lợi ích quốc gia. Thỏa thuận chưa đưa ra những chế tài với các quốc gia tham gia và cách tiếp cận vẫn mang tính chất hoàn toàn mở. Các nước đang phát triển là bộ phận quan trọng mà thỏa thuận hướng tới, góp phần tháo gỡ những khó khăn, trăn trở của các nước này.
Năng lượng tái tạo khá ưu việt song nó vẫn tồn tại những hạn chế nhất định?
Đúng như vậy, năng lượng tái tạo mang lại rất nhiều lợi ích song nó cũng tồn tại những bất lợi nhất định. Theo tôi, bất lợi lớn nhất của năng lượng tái tạo chính là tính chất gián đoạn, không liền mạch, ví dụ, nguồn năng lượng Mặt trời không phải lúc nào cũng mạnh như nhau.
Để khắc phục hạn chế này, không còn cách nào khác, chúng ta phải sử dụng tiết kiệm năng lượng tái tạo khi không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần cân nhắc vấn đề lưu trữ năng lượng để đảm bảo nguồn cung một cách phù hợp. Hiện nay ở một số quốc gia, với ngành thủy điện, khi lượng điện sản xuất đã đủ thì họ sử dụng hệ thống máy bơm để lưu trữ lượng nước thừa cho lần sản xuất sau. Nhiều quốc gia vẫn còn sử dụng khá lãng phí gói năng lượng sản xuất được.
Chẳng hạn, Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc đang sử dụng những tấm pin năng lượng Mặt trời nhưng lại có tòa nhà lớn đang xây dựng ở bên cạnh. Nó có tác động tiêu cực khi ngăn cản việc tiếp cận nguồn năng lượng Mặt trời của tòa nhà, giảm thiểu việc tối ưu hóa năng lượng Mặt trời. Đây cũng được coi là một ví dụ cho tính gián đoạn của năng lượng tái tạo.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải đứng trước bài toán nên ưu tiên mục tiêu phát triển hay chống biến đổi khí hậu, lời khuyên của bà?
Cả hai mục tiêu này đều cần phải được ưu tiên và cân bằng. Nếu chúng ta không quan tâm tới việc bảo vệ môi trường thì sẽ có những tác động xấu tới quá trình phát triển. Việc sử dụng tài nguyên hợp lý cũng vô cùng quan trọng với mỗi quốc gia.
Chile là một bài học điển hình mà Việt Nam có thể học hỏi. Quốc gia Nam Mỹ này đã chuyển từ quốc gia sử dụng và phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sang quốc gia sử dụng gần như 100% năng lượng tái tạo. Chile đã biết sử dụng năng lượng một cách bền vững, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, từ đó cung cấp nhiều việc làm cho người dân. Hiện nay, Chile đang độc lập, tự chủ về mặt năng lượng và không cần phải quá bận tâm vào việc nhập khẩu khí gas hay dầu lửa.
Nhiều quốc gia, trong đó có hai nước sử dụng lớn nguồn năng lượng là Trung Quốc và Ấn Độ đã đưa ra những cam kết cụ thể về việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Trung Quốc đã tăng việc sử dụng năng lượng Mặt trời lên 1/3 lần so với cam kết ban đầu. Mọi nỗ lực này đều là thiện chí và tự nguyện bởi họ cảm thấy sử dụng năng lượng tái tạo tốt cho sự phát triển. Từ đó, khung chính sách cũng được xây dựng và đưa vào cuộc sống một cách nhanh chóng.
Bà Christiana Figueres từng là Thư ký điều hành Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu (BĐKH) (2010 – 2016). Bà đã chủ trì quá trình đàm phán giữa 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu để ký kết Thỏa thuận Paris lịch sử về BÐKH năm 2015.
Hiện, bà đang là lãnh đạo của Mission2020 – một sáng kiến toàn cầu nhằm giảm khí thải toàn cầu vào nãm 2020. Bà còn đứng đầu bộ phận phụ trách về Khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB), Phó Chủ tịch Thỏa ước toàn cầu của các thị trưởng thành phố về khí hậu và năng lượng.