Công nghệ viễn thám: Giảm rủi ro cho nông nghiệp

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, dự đoán chính xác sản lượng lúa, cây trồng, giám sát lũ lụt và thảm họa thiên tai… sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra được những giải pháp tốt cho ngành nông nghiệp.

Đó là những yếu tố ưu việt mà ngành nông nghiệp có được khi ứng dụng công nghệ cao nói chung, công nghệ viễn thám nói riêng vào sản xuất.

Dữ liệu về sản xuất nông nghiệp còn hạn chế sẽ dẫn đến nhiều “rủi ro” trong ngành nông nghiệp.

Xác định rủi ro nhờ công nghệ

Là đất nước có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, những dữ liệu về sản xuất nông nghiệp đến với người nông dân, doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều rủi ro trong ngành nông nghiệp.

Và công nghệ viễn thám (CNVT) là một trong những công cụ thực hiện được yêu cầu này đối với ngành, giúp nông nghiệp giảm tải những khó khăn đang gặp phải hiện nay.

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Việt Nam, CNVT cho phép theo dõi giám sát, thay thế các công cụ thông thường hiện chúng ta đang làm, có thể đưa ra kết quả tốt hơn với cùng nội dung yêu cầu.

Ví dụ, trước đây, Việt Nam dùng hệ thống thống kê, mất nhiều thời gian và sai số lớn. Còn ứng dụng CNVT thì cho thời gian nhanh hơn, kết quả trên một vùng rộng hơn.

Và trong quá trình thử nghiệm cho thấy, chi phí sử dụng CNVT là thấp hơn để ra được kết quả nhanh, chính xác theo yêu cầu quản lý…

Nhận định về vai trò của khoa học công nghệ nói chung, CNVT nói riêng đối với ngành nông nghiệp, PGS TS Phạm Quang Hà, Viện Quy hoạch nông nghiệp cho biết, CNVT, với tính chính xác của nó sẽ giúp nhiều cho việc giám sát sản xuất lúa phục vụ điều hành và lập kế hoạch sản xuất lương thực; Đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ bảo hiểm nhằm giảm bớt rủi ro cho nông dân; Hỗ trợ các lĩnh vực liên quan như thống kê, dự trữ lương thực, quy hoạch, phòng chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học và giảng dạy…

PGS TS Phạm Quang Hà dẫn chứng, ví dụ trận lũ lịch sử mới đây đã khiến nhiều địa phương ở miền Bắc mất mùa vụ lúa. Nông dân chỉ biết ruộng của họ đã bị thiệt hại.

Nhưng muốn yêu cầu sự hỗ trợ, thì minh chứng nào khẳng định họ bị mất mùa. CNVT sẽ chính là công cụ hỗ trợ họ, đánh giá mức độ thiệt hại tại các huyện, xã, và nhỏ hơn là hình ảnh thiệt hại tại các thửa ruộng là bao nhiêu %, làm cơ sở để Nhà nước cũng như các tổ chức bảo hiểm đưa ra mức hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn cho bà con nông dân.

Công cụ hỗ trợ đắc lực

Chia sẻ về những điểm mạnh mà CNVT mang lại cho nông nghiệp, ông Nguyễn Quang Dũng, Giám đốc Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho hay, sử dụng CNVT, các nhà khoa học sẽ sử dụng tín hiệu do vệ tinh cung cấp theo chu kỳ 6 hoặc 12 ngày. Nhờ đó, có thể xác định rõ ràng và chính xác thời điểm bắt đầu mùa vụ.


Do không được dự báo kịp thời bà con nông dân gặp khó khăn khi sản xuất.

Sau đó, số liệu này được đưa vào mô hình sinh trưởng và cho ra kết quả ước tính năng suất lúa với độ chính xác cao và ổn định ở mức 90 – 92%.

Theo các chuyên gia, CNVT, cùng với công nghệ mô phỏng và các công nghệ bản đồ sẽ giúp đưa ra thông tin để dự báo rủi ro, từ đó cũng là hình ảnh để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hỗ trợ thiệt hại (nếu có), hay các cơ quan bảo hiểm nông nghiệp thông qua những chứng cứ đó để có thể ngay lập tức hỗ trợ cho nông dân.

Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận Phát triển tại Đại sứ quán Thuỵ sỹ tại Hà Nội cũng đánh giá cao việc sử dụng CNVT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ cho việc bảo hiểm trong nông nghiệp.

Theo vị này, xu hướng tới đây tất cả các sản phẩm sản xuất nông nghiệp đều phải có bảo hiểm hết vì đây là lĩnh vực rủi ro về thiên tai rất cao. Và CNVT sẽ giúp cho việc triển khai bảo hiểm cho nông nghiệp được thuận lợi.

“Đảm bảo an ninh lương thực là một vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia. Công nghệ này sẽ giúp cung cấp số liệu chính xác, kịp thời và khách quan về tổn thất đối với sản xuất lúa. Đồng thời giúp các công ty bảo hiểm giải quyết được rào cản hầu như không thể vượt qua nổi là chi phí giao dịch quá cao trong các chương trình bảo hiểm nhắm tới đối tượng nông dân sản xuất nhỏ” – vị này chia sẻ.