Với 87 cửa sông thông ra biển và chịu tác động trực tiếp của hai chế độ thủy triều, Cà Mau là tỉnh dễ bị tổn thương nhất trước diễn biến cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu và nhất là bị sạt lở theo các tuyến đê biển, đê sông.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 80% đường bờ biển bị sạt lở, với diện tích khoảng 305 ha/năm rừng phòng hộ bị mất.
Tình trạng này đang xảy ra với mức độ nghiêm trọng và có tính chất thường xuyên. Một số nơi của tuyến đê biển Tây đã xảy ra tình trạng sạt lở khá mạnh, có đoạn vào sâu tới chân đê, uy hiếp sự an toàn về đời sống và sản xuất của cư dân trong khu vực. Trước thực tế này, tỉnh Cà Mau rất cần các nguồn vốn triển khai các giải pháp công trình chống sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tình trạng sạt lở diễn ra cả ven biển Đông và biển Tây. Cụ thể, ở bờ biển Tây, sạt lở bình quân từ 20 – 25m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm.
Ở bờ biển Đông, sạt lở bình quân từ 50 – 50m/năm. Trong những năm gần đây, tình trạng xói lở xảy ra với mức độ nghiêm trọng và mang tính chất thường xuyên, có một số đoạn đã có tình trạng sạt lở khá mạnh, tới chân của tuyến đê biển Tây.
Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng có nguy cơ phá vỡ đê, ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân, cũng như các công trình công cộng với chiều dài khoảng 57 km đối với đê biển Tây và khoảng 20 km bờ biển Đông.
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực xử lý, khắc phục sạt lở ở nhiều vị trí xung yếu bằng kè kiên cố dự ứng lực và kè ngầm tạo bãi, với chiều dài gần 12 km. Theo đánh giá, các công trình này bước đầu có thể khắc phục sạt lở, vừa có thể giữ phù sa bồi đắp tái tạo bãi tái sinh cây mắm, khôi phục lại rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển.
Ngoài ra, Cà Mau cũng đã triển khai xây dựng các loại kè tạm bằng vật liệu địa phương như: cây dừa, cây bạch đàn, cây mắm… và các loại kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng nhằm khắc phục tình trạng sạt lở đê biển với chiều dài gần 6,7 km. Tổng kinh phí thực hiện các loại kè trên vào khoảng 510 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu triều cường thường xuyên dâng cao, kết hợp mưa, dông và sóng với cường độ mạnh làm cho nhiều đai rừng phòng hộ bị phá hủy.
Hiện tại, khoảng 57 km để biển Tây thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân có nguy cơ bị phá vỡ và có khoảng 20 km bờ biển Đông bị sạt lở cần có giải pháp khắc phục để bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài ra, đoạn đê biển Tây từ cửa biển Cái Đôi Vàm đến kênh Năm – Rạch Chèo với chiều dài 17 km chưa xây dựng, không bảo vệ được sản xuất, sinh hoạt của nhân dân phía trong nội đồng khi nước biển dâng.
Tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó nguồn ngân sách của Cà Mau đang gặp khó khăn, không thể cân đối để đầu tư các dự án phòng chống sạt lở bờ biển một cách triệt để, còn mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ, diện tích đai rừng phòng hộ được phục hồi không đáng kể. Hiện tại, tỉnh Cà Mau đang cần hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp công trình chống sạt lở theo các tuyến đê biển trên địa bàn.