Mặc dù tuyến đê bao ở xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã được chính quyền địa phương tổ chức gia cố nhưng tình trạng sạt lở vẫn có nguy cơ xảy ra, đe dọa đến sản xuất và đời sống của bà con.
Nhiều năm sống ở khu vực cồn Thanh Long, ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết, chưa bao giờ ông chứng kiến dòng nước chảy xiết như hiện nay. Những hàng bần chắn sóng dần bị nước cuốn phăng đi, nước sông cứ xoáy sâu vào đất liền đe dọa cuộc sống người dân. Con nước triều cường tháng 9 (âm lịch) vừa qua dâng cao kết hợp với dòng nước chảy mạnh tiếp tục cuốn những bụi chuối, bờ tre trôi theo dòng nước khiến người dân càng thêm lo lắng. Nói về nguyên nhân sạt lở, ông Thanh cho rằng có một phần là do tình trạng khai thác cát sông.
Theo ông Thanh, trước đây hàng bần ở cách chân bờ sông khoảng 200m, từ khi có hoạt động khai thác cát tình trạng sạt lở xảy ra, nước chảy vào tới chân bờ. Trước thực trạng này, nếu không có biện pháp gia cố đe bao kịp thời, vườn cây ăn quả của người dân khó tránh khỏi thiệt hại.
Nằm đối diện với cồn Thanh Long, khu vực ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện cũng đang bị tình trạng sạt lở bờ sông đe dọa. Hiện tại, sạt lở đã “ăn sâu” vào vườn cây ăn quả, có đoạn chỉ còn khoảng 0,5m đất nữa là nước có thể tràn vào. Ông Bạch Văn Thắng – người dân ở ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện cho biết, cách đây hơn nửa tháng, đã xuất hiện nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở, người dân phải tự gia cố để giữ đất, bảo vệ vườn cây ăn quả. Khoảng 10 ngày nay, chính quyền địa phương bố trí phương tiện cơ giới và lực lượng thực hiện việc gia cố tạm thời nhưng tại khu vực này vẫn còn nguy cơ sạt lở do dòng nước chảy xiết và triều cường dâng cao.
Theo ông Thắng, tình trạng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng từ khi có việc khai thác cát. Người dân phát hiện phương tiện tiến gần bờ khai thác cát, khi yêu cầu dời đi chỗ khác thì bị người trên các phương tiện này phản ứng lại. Nhiều lần người dân điện thoại báo nhưng khi cơ quan chức năng xuống đến nơi thì các phương tiện khai thác lại di dời đi nơi khác tạm thời nên cơ quan chức năng không xử lý được.
Bà Lê Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm cho biết, khu vực xã Quới Thiện hiện có nhiều điểm nằm trong nguy cơ sạt lở, không an toàn trong mùa mưa lũ. UBND huyện Vũng Liêm đã chỉ đạo Phòng phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân thực hiện gia cố tạm thời theo phương châm tại chỗ đối với các điểm sạt lở nhỏ. Đối với các điểm sạt lở lớn, đơn vị tổ chức khảo sát và bố trí phương tiện cơ giới tổ chức gia cố để đảm bảo an toàn cho người dân và vườn cây ăn quả.
Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Đấu cho biết: Khu vực mà người dân xã Quới Thiện phản ánh bị sạt lở hiện có mỏ cát Chánh An – Quới Thiện đã được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Anh từ đầu năm 2016. Từ khi mỏ cát này được cấp phép khai thác đến nay, Sở nhiều lần tiếp nhận tin báo của người dân về việc phương tiện khai thác cát gần bờ và đã tiến hành kiểm tra đột xuất với sự chứng kiến của người dân địa phương nhưng không phát hiện doanh nghiệp khai thác cát có vi phạm.
Đối với việc người dân bức xúc cho rằng khai thác cát làm dòng chảy mạnh lên, gây sạt lở, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, chưa có cơ sở để xác định hoàn toàn sạt lở ở khu vực này là do bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác cát. Theo đó, mỏ cát Chánh An-Quới Thiện nằm trong phạm vi quy hoạch được phép khai thác, không phải là khu vực cấm khai thác. Các khoảng cách về độ xa đo từ mỏ cát đến bờ và về chiều sâu đều đảm bảo theo quy định. Tại khu vực mỏ, kết quả đo vẽ địa hình đáy sông do Phân viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phía Nam thực hiện vào tháng 6/2017 cho thấy, trong phạm vi cấp phép không xuất hiện các điểm địa hình sâu bất thường, độ sâu nằm trong giới hạn cho phép.
Theo kết quả nghiên cứu hiện tượng bồi lắng sạt lở bờ sông, xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp phòng chống khắc phục ở tỉnh Vĩnh Long do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Viện Khí tượng Thủy văn, Hải văn và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện năm 2015, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm được xác định là khu vực bị xâm thực ngang. Tại đây đất bờ sông là bột sét, trạng thái chảy dẻo, vách bờ sông có độ dốc lớn, là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở.
Ngày 13/10 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các ngành liên quan cùng chính quyền địa phương khảo sát bờ sông khu vực mỏ. Qua khảo sát, tại khu vực mỏ cát đang được cấp phép khai thác, các trụ mốc phục vụ cho giám sát đường bờ, dùng để chỉ báo đánh giá sạt lở vẫn còn nguyên hiện trạng như ban đầu. Hạ lưu mỏ cát cách đầu cồn Thanh Long khoảng 410 m có hiện tượng xâm thực ngang. Đánh giá ban đầu của Tổ công tác, nguyên nhân sạt lở là do chủ nuôi cá tra ở tỉnh Bến Tre (giáp với thủy phận tỉnh Vĩnh Long) đã đào ao lấn sông, làm đoạn sông bị hẹp lại, tạo dòng chảy mạnh. Đồng thời, đoạn sông thuộc khu vực giữa cồn Thanh Long, ấp Rạch Sâu và bờ Chánh An của huyện Mang Thít là đoạn giao thông huyết mạch có nhiều tàu, ghe trọng tải lớn thường xuyên qua lại tạo áp lực sóng lớn đánh thẳng vào bờ, khó tránh khỏi sạt lở.
Để có cơ sở xác định nguyên nhân sạt lở cụ thể tại khu vực trên, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long sẽ kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Long giao Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khảo sát, nếu thấy cần thiết sẽ xin chủ trương thuê đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá nguyên nhân sạt lở để công bố cho các hộ dân rõ; đồng thời có biện pháp ứng phó nguy cơ sạt lở này. Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát sông các khu vực có phản ánh của người dân, tiếp tục định kỳ kiểm tra diễn biến đường bờ, đáy sông, độ sâu để kịp thời ứng phó khi có dấu hiệu sạt lở xảy ra.