Trung Quốc vẫn nêu cao quyết tâm chống ô nhiễm không khí dù nước này đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Trung Quốc Lý Cán Kiệt đã khẳng định quyết tâm trên tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh ngày 23/10. Theo ông, bộ này đã phát động một chiến dịch chống ô nhiễm không khí tại vùng Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và các khu vực lân cận trong giai đoạn từ năm 2017-2018. Chiến dịch này tập trung giảm thiểu ô nhiễm từ các doanh nghiệp, giảm tiêu thụ than đá và nâng cao các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với thời tiết cực đoan do ô nhiễm gây ra.
Trong tháng 1/2013, đa số các khu vực phía Bắc Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt thủ đô Bắc Kinh bị khói mù bao trùm trong hơn 20 ngày. Sau 3 năm chính quyền nỗ lực triển khai các biện pháp giảm ô nhiễm không khí, mật độ PM2.5 trung bình tại Bắc Kinh đã giảm 18% so với mức của năm 2013. Theo chỉ số chất lượng không khí, số ngày ô nhiễm không khí nặng tại Bắc Kinh đã giảm từ 58 ngày trong năm 2013 xuống còn 39 ngày trong năm 2016.
Từ năm 2013-2016, mật độ PM 2.5 (mật độ bụi dạng hạt có đường kính dưới 2,5mm) giảm 33% tại vùng Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc. Trong cùng giai đoạn, mật độ PM2.5 tại vùng đồng bằng Châu Giang và sông Dương Tử lần lượt giảm 31,9% và 31,3%. Tính trên toàn quốc, chất lượng không khí tại khoảng 338 thành phố đã cải thiện.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, mật độ PM2.5 và PM10 tại vùng Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc lại tăng lần lượt 14,3% và 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do việc đốt than đá là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại đây, khu vực này đã bắt đầu tiến hành các biện pháp giảm dần và cấm sử dụng than đá. Chẳng hạn, lượng tiêu thụ than tại Bắc Kinh trong năm 2013 là 23 triệu tấn đã giảm xuống dưới 10 triệu tấn từ đầu năm đến nay. Theo kế hoạch được công bố năm 2014, chính quyền thành phố Bắc Kinh vào năm 2020 sẽ cấm sử dụng than đá tại các quận trung tâm thành phố.