Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 10 cơn bão vào biển Đông, trong đó có nhiều cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trên diện rộng cả khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, gây nhiều thiệt hại.
Còn vùng Nam Trung bộ lâu nay vẫn được xem là một trong những “rốn lũ bão” hàng năm. Tuy nhiên, mùa mưa bão ở khu vực này diễn ra muộn hơn và lúc này đã là gần kề, công tác chuẩn bị ứng phó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2017, sẽ còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực giữa và Nam biển Đông. Trong số đó có khoảng 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung bộ, Nam bộ.
Đối với Bình Định, từ nhiều tháng trước đây, bằng khả năng có thể, UBND các địa phương và Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã triển khai gia cố tạm các hư hỏng của đập, máy đóng mở cống lấy nước; phát dọn mái đập, tràn xả lũ, hành lang thoát lũ, sửa đường cứu hộ đập; gia cố, sửa chữa tạm các tràn bị hư hỏng; chuẩn bị một số vật tư, vật liệu phòng chống bão lũ tại các vị trí xung yếu của công trình; tập kết vật tư tại chỗ, xử lý tạm. Còn ở thời điểm này, giải pháp căn cơ vẫn là “Tập kết vật tư tại chỗ để ứng phó tại các điểm nguy cơ sự cố”.
Không chỉ các hồ chứa đang đứng trước nguy cơ vỡ, trên địa bàn Bình Định còn có nhiều tuyến đê, kè xung yếu đã bị xuống cấp nghiêm trọng với khoảng 47 km đê kè xung yếu, sạt lở nguy hiểm, cần nâng cấp bảo đảm an toàn, nhưng “đói” vốn.
Trong khi chưa có nguồn kinh phí sửa chữa lớn, để khắc phục các đoạn đê bị hư hỏng, sạt lở gây ra từ mùa lũ năm ngoái, các địa phương đang chủ động giải pháp gia cố tạm bằng đất đắp đến cao trình đê cũ và cọc phên tre. Tuy nhiên, tiến độ thi công, gia cố tạm thời các tuyến kè đề xung yếu này còn rất chậm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập, an toàn hồ chứa (WB8) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để sửa chữa nâng cấp các hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ các thiết bị quan trắc để quản lý, giám sát các công trình hồ chứa lớn ở Bình Định để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Ở Phú Yên, để đảm bảo an toàn các hồ chứa nước trong mùa mưa bão cũng như phục vụ tưới tiêu vụ Đông Xuân sắp tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương, ngoài việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị hư hỏng, phải chủ động nhân lực, vật lực tại chỗ để ứng phó với thiên tai.
Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam (gọi tắt Công ty Thủy nông Đồng Cam) đã hoàn tất kiểm tra an toàn kỹ thuật 6 hệ thống hồ chứa, đặc biệt là các hệ thống quan trắc thấm, quan trắc chuyển vị, quan trắc lún và chủ động khắc phục sự cố gây nguy cơ mất an toàn, điều tiết lũ hợp lý.
Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy nông Đồng Cam cho biết: “Công tác cảnh báo lũ vẫn được vận hành theo đúng quy trình. Cụ thể, khi lưu lượng nước về hồ lớn thì căn cứ trên quy trình này chúng tôi điều tiết theo đúng quy trình của nó. Trước khi xả lũ, chúng tôi sẽ báo UBND tỉnh là cơ quan cao nhất, các cơ quan chức năng tỉnh và các huyện, xã thuộc phạm vi hồ đi qua.”.
Trong khi đó, Quảng Ngãi có “cơ hội” thay đổi tình thế hơn trong giai đoạn 2017 – 2022, khi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án bố trí vốn vay Ngân hàng Thế giới dành cho tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp 19 hồ chứa nước bị xuống cấp nặng và nâng cao an toàn đập. Số còn lại cần được Trung ương và tỉnh tiếp tục đầu tư, để nâng cao an toàn đập và hiệu quả công trình.
Tuy nhiên, trong khi chờ sửa chữa, nâng cấp, trước mắt UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chỉ đạo các chủ hồ đập thực hiện thường xuyên công tác đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ năm nay và những năm kế tiếp, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.
Do nguồn vốn có hạn, Quảng Ngãi ưu tiên xử lý các công trình đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh sự xuống cấp của hồ Hóc Sầm, xã Đức Phú, huyện Mộ Đức. Để khắc phục, Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đã trích hơn 8 tỷ đồng thi công hạng mục khoan phụt nền, đổ lại bê tông gia cố nhằm giữ nước, chống thấm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu.
Ngoài ra, Công ty cũng đã triển khai quy trình vận hành điều tiết đối với 18 hồ chứa nước; 3 hồ chứa lớn như: Núi Ngang, Liệt Sơn, Diên Trường, công ty chủ động cho xả tràn sâu. Đối với một số hồ bị cô lập khi lũ ập về như hồ Cây Xanh (Đức Phổ), Vực Thành (Trà Bồng), công ty đã kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ tiền xây dựng cầu, đường quản lý nội bộ để tiện đi lại.
Công ty cũng đã lên phương án phòng chống thiên tai dự phòng; kế hoạch phối hợp với UBND các xã thực hiện phương án cứu hộ, cứu trợ khẩn cấp, công tác di dời dân vùng lũ… để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Hiện tất cả các hồ không đảm bảo an toàn vận hành phải giữ ở mực nước chết, đến ngày 15/12, dựa trên tình hình thực tế việc tích nước mới thực hiện trở lại.
Đối với Khánh Hòa, UBND tỉnh vừa ra Quyết định số 2062/QĐ-UBND, ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2017 – 2020. Về an toàn hồ, đập, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương có hồ, đập và các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, thủy điện thực hiện quản lý, bảo đảm an toàn; có phương án phòng chống lụt bão cho các hồ chứa, chuẩn bị đầy đủ nhân, vật lực. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa trên địa bàn, chú trọng các hồ chứa lớn và hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; chỉ đạo công tác quản lý vận hành và khai thác công trình theo đúng quy trình, quy phạm; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa bão; phải thực hiện đúng quy trình vận hành xả lũ, tích nước hợp lý đảm bảo kế hoạch sản xuất và an toàn cho công trình…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa Lê Tấn Bản cho rằng, để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2017, ngành đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa, bố trí lực lượng có đủ năng lực để vận hành hồ chứa theo kịch bản đã được phê duyệt. Căn cứ vào tình hình mưa lũ, các đơn vị quản lý hồ chứa phải tích, xả nước theo đúng kế hoạch, đồng thời theo dõi và xử lý hiện tượng thấm, lún sụt để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ cần tính toán kỹ lưỡng, lên phương án một cách cơ bản và chi tiết trong việc di dời dân ở các khu vực gần công trình và rộng hơn và cả vùng hạ lưu có khả năng bị ảnh hưởng, đến nơi tạm trú an toàn, trước khi có nguy cơ xảy ra sự cố từ các công trình này. Trong đó các lực lượng quân đội, dân quân, thanh niên xung kích… tại địa phương là nguồn nhân lực quan trọng để phối hợp tác chiến.
Có thể hình dung bức tranh toàn cảnh về thực trạng hệ thống hồ đập chứa nước ở khu vực Nam Trung bộ đang tồn tại hàng trăm công trình hoặc ít, hoặc nhiều có dấu hiệu, hiện tượng hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, để khắc phục, cải tạo, các địa phương này phải tốn một lượng kinh phí khổng lồ và thời gian thực hiện không thể một sớm một chiều. Chỉ tính riêng tại Khánh Hòa, với kế hoạch huy động nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để nâng cấp, sửa chữa số hồ chứa đang bị xuống cấp, từ nay đến năm 2020 phải dành 493 tỷ đồng cho việc cải tạo 8 hồ chứa thuộc diện ưu tiên.
Dù mỗi địa phương trong khu vực đã có phương án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay, nhưng khi mưa gió đang cận kề, chính quyền các tỉnh và cả người dân cần phải nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong vấn đề nói trên. Từ đó, có biện pháp đối phó phù hợp, huy động tổng lực các nguồn nhân lực, vật lực và cả quyết tâm vượt khó để ứng phó.