Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có trên 360 hồ, đập chứa nước với dung tích hơn 1 tỷ m3 nước. Hiện có nhiều công trình có “tuổi đời” khá cao, bị xuống cấp trầm trọng.
Vùng Nam Trung bộ có đặc điểm tự nhiên khác biệt, gồm một dải lãnh thổ hẹp, với phía Tây là một phần sườn Đông của dãy Trường Sơn, mang độ dốc khá lớn. Mật độ các dòng sông của khu vực này khá cao, ngắn và dốc, nên khi có lũ, nước lên nhanh, về mùa khô lại chóng cạn. Vì vậy, việc xây dựng các hồ, đập chứa nước là biện pháp thủy lợi rất quan trọng, mang tính sống còn cho nền nông nghiệp lâu đời và phục vụ đắc lực cho nhiều lĩnh vực khác.
Tính sơ bộ, 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có trên 360 hồ, đập chứa nước với dung tích hơn 1 tỷ m3 nước. Do có một quá trình xây dựng liên tục và đã lâu, đến nay hàng trăm công trình có “tuổi đời” khá cao, lại xây dựng với kỹ thuật, chất liệu còn nhiều hạn chế ở những thời điểm trước, đến khi xuống cấp thì không được nâng cấp, tu bổ thường xuyên, kịp thời, nên vào mỗi mùa mưa lũ, trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của người dân trong vùng, trước nguy cơ bị vỡ.
So trong khu vực, Bình Định có số lượng hồ đập và tổng dung tích chứa nước lớn nhất. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có trên 165 công trình hồ chứa nước với tổng dung tích 583 triệu m3; trong đó, có khoảng 49 công trình đang có nguy cơ mất an toàn, 22 hồ có nguy cơ vỡ đập khi nước lũ dâng cao.
Thực tế tại một số công trình vào thời điểm chuẩn bị bước vào mùa mưa này, phóng viên TTXVN chứng kiến nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp và mất an toàn, nguy cơ vỡ hồ trong mùa mưa lũ khá cao. Các công trình xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nhiều sự cố, khả năng thoát lũ tại nhiều hồ không đảm bảo. Có những công trình đê đập bằng đất rất dễ bị vỡ khi nước lũ dâng cao, chảy xiết, khiến người dân vùng hạ lưu sống trong lo sợ.
Hồ Hố Cùng, xã Mỹ Thọ thuộc huyện Phù Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào, nếu hồ này tiếp tục tích nước trong mùa mưa lũ năm nay. Hồ này làm bằng đập đất đã bị nước thấm qua thân và nền đập lớn; sạt lở mái thượng và hạ lưu, hệ thống cống bị hư hỏng nặng, không đảm bảo thoát lũ. Trong mùa lũ cuối năm 2016, nước tràn qua đập, sạt lở nghiêm trọng thân đê, người dân thôn Đại Lương ở dưới chân đập hoảng sợ, bỏ nhà tháo chạy.
Thời điểm đó, trước nguy cơ vỡ đập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khi đến kiểm tra hiện trường đã yêu cầu chủ hồ khẩn trương phá thân đê, mở rộng tràn xả lũ khẩn cấp để thoát nước, đồng thời triển khai phương án di dời dân khẩn cấp. Nhớ lại mùa mưa lũ năm trước, bà Dương Thị Bài, trú ở thôn Đại Lương, xã Mỹ Thọ, không khỏi bất an: “Nhà tôi ở dưới hạ lưu hồ Hố Cùng, cứ đến mùa mưa lũ là sợ ghê lắm, sợ lở bờ đê, vỡ đê trôi nhà, chết người. Mong Nhà nước quan tâm, sớm sửa lại bờ đập cho an toàn”.
Tại Quảng Ngãi, mới đây khi trả lời phỏng vấn báo chí địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Mậu Văn cho biết, trong số 122 hồ chứa nước của tỉnh, có 87 công trình xây dựng từ năm 1989 trở về trước, đã khai thác, sử dụng trên 30 năm. Do đầu tư không đồng bộ và thi công chủ yếu bằng thủ công, nên nhiều công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó có 36 hồ bị hư hỏng nặng cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn đập.
Hiện phần lớn các công trình hồ chứa trong danh sách xuống cấp, hư hỏng của Quảng Ngãi đều có hiện tượng bị nước thấm qua vai và thân đập vượt qua mức giới hạn cho phép. Do đó, một khi nước lũ tràn qua mặt đập dễ gây xói lở, dẫn đến nứt, vỡ. Trong danh sách các hồ xuống cấp nặng do Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi quản lý, phải kể đến hồ Đá Bàn thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Do xây dựng từ lâu, chủ yếu bằng cách đắp đất thủ công nên công trình này hư hại nghiêm trọng, nếu không khắc phục sớm, trong mùa lũ có nguy cơ nước sẽ vượt tràn gây nguy hiểm cho dân cư khu vực thị trấn Mộ Đức.
Trước thực trạng trên, từ năm 2014, Công ty đã được phân bổ nguồn kinh phí hơn 38 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 14 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí hơn 20 tỷ đồng để xử lý triệt để. Việc nâng cấp vừa hoàn thành để đón mùa mưa lũ, khiến người dân và chính quyền địa phương như trút đi “gánh nặng”. Tuy nhiên, chỉ nâng cấp một công trình như thế đã mất nhiều kinh phí và thời gian, nên hầu hết các công trình hồ chứa ở Quảng Ngãi phải xếp hàng chờ bố trí vốn để cải tạo một cách triệt để. Thế nên bước vào mùa mưa lũ năm nay, Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi chỉ có thể phân bổ nhiều nguồn vốn lồng ghép để tạm thời hoàn thành công tác duy tu, sửa chữa nhiều hồ, đập xuống cấp, với mong muốn đảm bảo vận hành an toàn.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, tuy có số lượng hồ chứa ít nhất, chỉ có gần 30 hồ, nhưng tổng dung tích lên đến 250 triệu m3 và chỉ đứng sau Bình Định. Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, hiện tỉnh có 14 hồ chứa đã xuống cấp gồm: Suối Lớn, Suối Luồng, Cây Bứa ở huyện Vạn Ninh; Suối Trầu, Suối Sim, Bến Ghe, Sở Quan ở thị xã Ninh Hòa; Cây Sung, Láng Nhớt, Đá Mài, Đồng Mộc, Đồng Hằng ở huyện Diên Khánh; Đồng Bò, Bích Đầm ở thành phố Nha Trang.
Các hồ này xuống cấp do xây dựng đã nhiều năm, thân đập được đắp bằng đất nên thường bị sạt lở, sụt lún, lòng hồ bị bồi lắng. Nhiều hồ chứa nước ở Khánh Hòa gần các khu dân cư và nhất là đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cho công trình cùng vùng hạ du. Trong khi đó, việc nâng cấp, sửa chữa các hồ này gặp khó khăn và kéo dài do nguồn vốn đầu tư hạn chế.
Mặc dù có số lượng hồ chứa nước ít nhất trong bốn tỉnh, với 44 hồ chứa nước và tổng dung tích trữ gần 70 triệu m3 nước, nhưng Phú Yên cũng nơm nớp lo ngại do phần lớn các hồ thủy lợi đều xây dựng cách đây hơn 20 năm, nhiều hạng mục trong từng hồ đã và đang xuống cấp. Do đó, Phú Yên đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 125 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, lắp đặt trang thiết bị đo mưa và quan trắc; đào tạo cán bộ làm công tác quản lý hồ chứa nước; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thủy nông viên cơ sở… Tuy vậy, với khoản kinh phí được cấp cầm chừng, Phú Yên không thể giải quyết một cách toàn diện.
Không chỉ những hồ có tuổi đời lâu năm đưa vào diện cần lưu ý, hồ chứa nước Suối Vực thuộc địa bàn huyện miền núi Sơn Hòa tuy mới đưa vào khai thác được 2 năm nhưng một số hạng mục đang xuống cấp. Hiện nhà thầu tiến hành sửa chữa trong thời gian còn bảo hành công trình. Tương tự, một hồ chứa nước khác là hồ La Bách (huyện miền núi Sông Hinh), được đưa vào sử dụng năm 2013 với dung tích hữu ích 2,2 triệu mét khối nước cũng đã bị phát hiện thấm nước qua đập đất cách đây vài tháng, đang được các cơ quan chức năng thẩm định để tiến hành sửa chữa.
Theo ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, việc xử lý thấm nước qua đập đất của công trình Hồ chứa nước La Bách mang tính cấp bách nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão sắp đến, tránh nguy cơ mất ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư trong khu vực.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, từ năm 2000 đến nay, địa phương đã sửa chữa, nâng cấp 50 công trình hồ đập, nhiều công trình được sửa chữa hoàn thiện, bền vững. Nhưng qua kiểm tra an toàn hồ chứa, hiện vẫn còn 49 công trình, hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 22 hồ nguy cơ sự cố vỡ hồ cao trong mùa mưa lũ.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Phần lớn các hồ chứa xây dựng từ trước năm 1990, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nhiều sự cố, khả năng thoát lũ nhiều hồ không đảm bảo. Hiện có 49/165 hồ hư hỏng nặng cần đầu tư sửa chữa, tuy nhiên chỉ mới thu xếp được vốn để sửa chữa 19 hồ đập nguy cấp trước, còn 30 hồ vẫn chưa có vốn để tu sửa.
Trong 19 công trình hồ nguy cấp thu xếp được vốn để sửa chữa, mới thi công 2 công trình, số còn lại phải đến các năm 2018 – 2019 mới có thể tiến hành sửa chữa. Nhu cầu vốn để sửa chữa 49 hồ xuống cấp nghiêm trọng cần khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thu xếp vốn được khoảng 400 tỉ đồng. Nhiều công trình “đói vốn” phải gia cố tạm, mối hiểm nguy treo lơ lửng khi mưa lũ lớn”.
Bên cạnh việc hồ chứa xuống cấp, quá trình vận hành của các đơn vị quản lý hồ chứa cũng là điều cần phải nhắc đến. Tháng 12/2016, trong khi mưa lũ đang diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa, đơn vị quản lý nhiều hồ chứa ở phía Nam của tỉnh, đã chưa thực hiện đúng quy trình vận hành điều tiết và phương án phòng chống lụt bão được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.
Cụ thể, công ty này chưa chủ động điều tiết cao trình mực nước hồ chứa để đón lũ theo quy định; xả lũ không thông báo hoặc không đúng theo thời gian đã thông báo; việc xả lũ được công ty thông báo vào ban đêm, gây nguy hiểm cho người dân vùng hạ du. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa có công văn yêu cầu, công ty này mới chấn chỉnh công tác vận hành và điều tiết hồ chứa.
Bài 2 – Cần huy động tổng lực sẵn sàng ứng phó