Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay rừng tự nhiên ở nước ta ngày càng bị tàn phá, bị cháy, bị khai thác trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương. Có nơi, cán bộ kiểm lâm còn tiếp tay cho lâm tặc, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thiếu những biện pháp xử lý hiệu quả.
Nhiều ý kiến đã tán thành với đề nghị của Chính phủ đổi tên luật là Luật Lâm nghiệp cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Dự thảo Luật trình Quốc hội. Dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định giao UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng nhà nước chưa giao và cho thuê; trách nhiệm của kiểm lâm trong việc bảo vệ các diện tích rừng thuộc sở hữu nhà nước chưa được giao, cho thuê.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay rừng tự nhiên ở nước ta ngày càng bị tàn phá, bị cháy, bị khai thác trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương. Hậu quả là lũ lụt tàn phá, đất đá lở gây thiệt hại cả về tính mạng và tài sản. Có nơi, cán bộ kiểm lâm còn tiếp tay cho lâm tặc, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thiếu những biện pháp xử lý hiệu quả. Thực trạng này có nguyên nhân do luật hiện hành còn nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình và lấy ý kiến trước cộng đồng dân cư ở những nơi có rừng. Theo đó, muốn chuyển giao, muốn thực hiện các dự án thì phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Nếu không lấy ý kiến sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đưa vào triển khai. Thứ hai là thực tế nhiều khi không lấy ý kiến của người dân mà chỉ có tổ chức cho thực hiện các dự án thì hợp pháp nhưng mà thực ra là hợp pháp để phá rừng. Ví dụ như bán đảo Sơn Trà hay Dự án trồng hoa đào vừa rồi đã không lấy ý kiến người dân, không lấy ý kiến nhà khoa học để tham khảo thì vô tình mình hợp pháp hóa để phá rừng.
ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chỉ rõ, chính sách phát triển lâm nghiệp không những phát triển kinh tế mà trong đó còn có vấn đề quốc phòng an ninh. Lực lượng kiểm lâm là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có quyền kiểm tra, thi hành pháp luật xử lý hành chính cho nên cần làm rõ vai trò trách nhiệm trong bảo vệ rừng.
Trước việc có ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ có liên quan và UBND các cấp về lâm nghiệp; bổ sung quy định về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng, phá rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Tiếp thu các ý kiến trên, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung các nội dung quản lý nhà nước về lâm nghiệp vào trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và trách nhiệm UBND các cấp; bổ sung quy định trách nhiệm Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực địa bàn mình quản lý.
Hôm nay (25/10), Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông – vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông – vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. |