Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Chương trình hành động, Quy hoạch, Dự án giai đoạn 2017 – 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ngành, địa phương.
Đặc biệt tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý Nhà nước trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và cộng đồng về biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ở tỉnh Đồng Tháp ngày càng thể hiện rõ nét, gây áp lực ngày càng nhiều đến phát triển kinh tế- xã hội, đến nguồn tài nguyên, môi trường, đời sống, sức khỏe của người dân. Các hiện tượng thời tiết như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng xuất hiện ngày càng bất thường, không theo qui luật, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều và nguy hiểm, số điểm sạt lở tăng, vành đai sạt lở mở rộng. Đặc biệt tại khu vực bờ sông Tiền thời gian qua có trên 25 điểm sạt lở nguy hiểm. Ước tính mỗi năm tỉnh Đồng Tháp mất từ 30 đến 50 ha đất ven sông do tình trạng sạt lở gây ra.
Liên quan đến sản xuất nông nghiệp, trong các năm qua tại Đồng Tháp, diện tích đất bị nhiễm phèn có xu hướng tăng, nhất là vùng trũng Đồng Tháp Mười; sâu rầy gây hại mạnh trên nhiều loại cây trồng, xuất hiện nhiều bệnh lạ gây hại đối với ruộng lúa và các vườn cây ăn trái. Đối với ngành chăn nuôi, dịch bệnh xảy ra trên đoàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đáng lo ngại là nhiều loài động vật, thực vật có nguy cơ biến mất, kể cả khu vực có sếu đầu đỏ, rắn hổ, cá dầy… sinh sống. Ô nhiễm môi trường cũng có xu hướng gia tăng.
Trong Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020, Đồng Tháp đề ra mục tiêu, toàn tỉnh có 80% người dân hiểu biết về biến đổi khí hậu; trên 80% trường học lồng ghép được các kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu vào các chương trình giảng dạy ở các cấp học. Có ít nhất 80% nội dung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh được lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu. 100 % diện tích đất canh tác trên địa bàn tỉnh được đảm bảo nước tưới tiêu. 100% công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong tỉnh đầu tư vận hành hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.
Các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phải xây dựng hoàn chỉnh và vận hành hệ thống xử lý chất thải. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% các xã xây dựng nông thôn mới gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 60% nước thải đô thị tại các thị xã, thành phố trong tỉnh được thu gom và xử lý đúng theo quy định. 85% tổng lượng chất thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đúng quy định…
Tỉnh cũng xây dựng và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hệ thống chính sách, văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn; tăng cường quản lý tổng hợp để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc lồng ghép các yếu tố, mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Tỉnh Đồng Tháp khuyến khích, ưu đãi khi đầu tư vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường các hình thức xã hội hóa; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.